|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát: Doanh thu và lợi nhuận đi lên, nợ vay cũng tăng hơn 4.600 tỉ đồng trong một quí

18:35 | 27/04/2020
Chia sẻ
Cùng với sự đi lên của doanh thu và lợi nhuận, giá trị nợ vay và chi phí lãi vay của Hòa Phát quí vừa qua cũng tăng cao rõ rệt so với các quí trước để phục vụ nhu cầu đầu tư cơ bản.
Hòa Phát: Doanh thu và lợi nhuận đi lên, nợ vay cũng tăng hơn 4.600 tỉ đồng trong một quí - Ảnh 1.

Một đơn vị kinh doanh ống thép Hòa Phát. Ảnh: Y Vân.

Tăng sản lượng tiêu thụ, giành thêm thị phần thép

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2020 cho thấy doanh thu thuần đạt 19.233 tỉ đồng, tăng trưởng 28,5% so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận gộp tăng trưởng 43,6% lên 3.763 tỉ đồng.

Chi phí tài chính nhảy vọt 241% lên 823 tỉ đồng, do vậy tốc độ tăng của lãi sau thuế thấp hơn so với lợi nhuận gộp, đạt 27,3% lên mức 2.305 tỉ đồng.

Kết quả này khá sát với công bố của Tập đoàn Hòa Phát ít ngày trước. Công ty cho biết lĩnh vực thép và nông nghiệp là hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong quí vừa qua.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính mới công bố, tổng doanh thu thuần mảng thép trong quí I/2020 tăng trưởng 23% so với cùng kì 2019 trong khi doanh thu mảng nông nghiệp tăng 58,5%.

Trong ba tháng đầu năm 2020, thép xây dựng Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trên 732.433 tấn (chưa kể phôi thép), tăng 5,1% so với cùng kì năm ngoái.

Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán HSC, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng quí I của toàn ngành giảm 15,4% so với cùng kì. Do vậy Hòa Phát tiếp tục giành thêm thị phần từ 26,2% trong năm 2019 lên 31,9% trong quí I/2020.

Theo HSC, tăng trưởng này đạt được là nhờ nỗ lực thúc đẩy doanh thu bán hàng tại khu vực phía Nam và thị trường xuất khẩu thay vì chỉ dựa vào thị trường phía Bắc như trước đây.

Hòa Phát: Doanh thu và lợi nhuận đi lên, nợ vay cũng tăng hơn 4.600 tỉ đồng trong một quí - Ảnh 2.

Lợi nhuận của Hòa Phát ghi nhận tăng trưởng đáng kể so với cùng kì năm trước cũng như quí liền trước.

Sản lượng tiêu thụ thép dài và phôi thép tăng đã giúp tối đa hóa tỉ lệ công suất hoạt động tại các nhà máy hiện tại của công ty. Theo ước tính của HSC, tỉ lệ này có thể đạt trên 91% tại các khu liên hợp Hòa Phát Hưng Yên và Hải Dương, cao hơn đáng kể mức 80% cuối năm ngoái.

Tỉ lệ công suất tăng hỗ trợ giảm chi phí sản xuất trên mỗi đơn vị sản phẩm thép dài và phôi thép. Bên cạnh đó, giá than cốc giảm cũng giúp bù đắp cho mức giảm bình quân 9,6% của giá bán thép xây dựng còn 11,4 triệu đồng/tấn trong quí I/2020.

Lượng thép thành phẩm xuất khẩu đạt gần 135.000 tấn, tăng 74,8% so với cùng kì năm trước. Lượng phôi thép tiêu thụ đạt khoảng 350.000 tấn, chủ yếu là xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu phôi thép chính là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Với sản phẩm ống thép, Hòa Phát đã tiêu thụ gần 145.000 tấn, tiếp tục dẫn đầu với thị phần 31,1%. Sản lượng xuất khẩu ống thép quí I/2020 cao gấp 2,8 lần cùng kì 2019.

Nợ vay và lãi vay đi lên theo nhu cầu đầu tư

Về phía bảng cân đối kế toán của công ty, nợ phải trả thời điểm 31/3/2020 là hơn 57.046 tỉ đồng, tăng 3.056 tỉ đồng so với ngày đầu năm. Trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 4.263 tỉ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 401 tỉ đồng. Ngược lại, khoản mục Phải trả người bán ngắn hạn giảm 1.371 tỉ đồng trong quí đầu năm.

Như vậy, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Hòa Phát tăng gần 4.700 tỉ đồng trong ba tháng. 

Nếu so với một năm trước (31/3/2019), tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Hòa Phát tăng 10.864 tỉ đồng, điều này phần nào lí giải việc chi phí lãi vay trong quí I năm nay là 481 tỉ đồng, cao gấp 2,6 lần cùng kì năm 2019.

Tỉ lệ nợ vay/tổng tài sản của Hòa Phát nhích từ 35,9% tại ngày 31/3/2019 lên lên 36% vào ngày cuối năm 2019 và lên 38,6% vào ngày 31/3/2020.

Hòa Phát đang có nhu cầu vốn lớn để hoàn thiện Dự án Khu Liên hợp Gang thép Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Hiện nay dự án này đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch bởi các chuyên gia của Tập đoàn Danieli (Italy) không thể có mặt tại Việt Nam vì lệnh phong tỏa chống dịch COVID-19.

Theo báo cáo tài chính quí I/2020, giá trị xây dựng cơ bản dở dang tại Dung Quất là xấp xỉ 21.800 tỉ đồng, giảm 11.300 tỉ đồng so với ngày đầu năm do một phần dự án đã được hạch toán chuyển thành tài sản cố định.

Hòa Phát: Doanh thu và lợi nhuận đi lên, nợ vay cũng tăng hơn 4.600 tỉ đồng trong một quí - Ảnh 3.

Giá trị xây dựng cơ bản dở dang tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất giảm 11.300 tỉ đồng do một phần dự án đã hoàn thành và chuyển sang hạng mục Tài sản cố định hữu hình.

Cuối tháng 3 vừa qua, cổ đông Hòa Phát đã đồng ý bằng văn bản kế hoạch đầu tư 60.000 tỉ đồng vào Dự án Khu Liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất - Giai đoạn mở rộng.

Qui mô của dự án là 5 triệu tấn thép gồm 3 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC), 1 triệu tấn thép hình cỡ trung, 0,5 triệu tấn thép dây cuộn chất lượng cao và 0,5 triệu tấn thép tròn cơ khí chế tạo.

Tổng vốn đầu tư dự kiến là 60.000 tỉ đồng, trong đó vốn cố định là 50.000 tỉ đồng và vốn lưu động là 10.000 tỉ đồng. Về cơ cấu vốn cố định, vốn tự có sẽ góp khoảng 30.000 tỉ, vốn vay dự tính 20.000 tỉ.

Nguồn vốn tự có 30.000 tỉ đồng dự kiến được các cổ đông góp theo tiến độ triển khai dự án và được lấy từ vốn chủ sở hữu và các nguồn khác.

CTCP Chứng khoán SSI nhận định áp lực tài chính với Hòa Phát trong giai đoạn mở rộng tại Dung Quất sẽ thấp hơn giai đoạn đầu. Nguyên nhân là doanh nghiệp sẽ có sức mạnh tài chính vững chắc hơn trong những năm tới nhờ đóng góp từ dự án Dung Quất giai đoạn đầu đã hoàn thành.

Song Ngọc