Chuyên gia Italy không thể có mặt vì dịch COVID-19, dự án Dung Quất của Hòa Phát chậm tiến độ
Trong lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất thép, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cho biết sản lượng bán hàng tháng 3 này dự kiến sẽ tăng trưởng tốt so với tháng 2, xuất khẩu cả thép thành phẩm và phôi thép tăng trưởng cao và không bị phụ thuộc vào một thị trường nào cụ thể.
Chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho sản xuất luôn có kế hoạch dự phòng cho khoảng từ 3 đến 6 tháng, tùy từng chủng loại nguyên liệu, vật tư. Hệ thống các nhà cung cấp của Hòa Phát đa dạng, giúp tập đoàn dễ dàng chuyển hướng sang các đối tác khác tại quốc gia không có dịch hoặc quốc gia chưa công bố hạn chế di chuyển hay xuất nhập hàng hóa.
Riêng dây chuyền HRC (thép cuộn cán nóng) của Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất đã lắp đặt xong thiết bị, dự kiến chạy thử và đi vào hoạt động ngày 1/4/2020.
Tuy nhiên do đại dịch COVID-19, Italy ban hành chính sách phong tỏa, Việt Nam cũng dừng miễn thị thực cho công dân Italy từ ngày 2/3 vừa qua nên Tập đoàn Danieli (Italy) không thể cử chuyên gia công nghệ kĩ thuật cao sang Việt Nam. Vì vậy, dây chuyền HRC bị chậm tiến độ so với kế hoạch.
Hòa Phát cho biết đây là dây chuyền hiện đại, tự động hóa cao nên ngoài chuyên gia Italy, kĩ sư nước khác không thể thay thế ở giai đoạn chạy nóng, vận hành chính thức. Ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, phía Danieli sẽ cử chuyên gia sang vận hành, dây chuyền HRC của Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất sẽ đi vào hoạt động.
Trong báo cáo phân tích hồi tháng 2, Chứng khoán HSC cho rằng dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ xây dựng dự án do thiếu nhân lực, hoạt động bán thép của Hòa Phát cũng có khả năng bị chậm lại.
HSC kì vọng dịch COVID-19 sẽ được kiềm chế trong quí I/2020 và sau đó Hòa Phát có thể quay lại hoạt động bình thường cho đến hết năm 2020. Dịch bệnh nhiều khả năng sẽ làm chậm kế hoạch đưa lò cao số 3 và số 4 của Khu Liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động.
Tuy vậy HSC vẫn tin rằng Hòa Phát có thể đạt được mục tiêu cho ra mắt sản phẩm HRC đầu tiên vào cuối tháng 6/2020.
Trong báo cáo phân tích giữa tháng 3 mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) điều chỉnh dự phóng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát trong năm 2020 giảm từ 4,2 triệu tấn còn 3,9 triệu tấn.
Nguyên nhân chính, theo VDSC, là do tác động của dịch COVID-19 lên kết quả kinh doanh trung hạn của Hòa Phát. VDSC cũng duy trì dự phóng giá bán trung bình của thép dài ở mức 11,3 triệu VNĐ/tấn, giảm 6% so với giá trung bình năm trước.
Hòa Phát cho biết mảng nông nghiệp và các lĩnh vực khác vẫn hoạt động bình thường. Sản phẩm nông nghiệp của Hòa Phát thuộc nhóm thiết yếu, được Chính phủ khuyến khích đầu tư nhằm ổn định thị trường, nhất là lúc có dịch.
Tập đoàn khẳng định các trang trại của mình hoạt động tốt, sản lượng bán hàng heo, bò và trứng gà sạch tăng trưởng mạnh.
Hoạt động kinh doanh thuộc nhóm công nghiệp khác, bất động sản không bị gián đoạn do dịch. "Công ăn việc làm và thu nhập của 23.000 cán bộ công nhân viên được đảm bảo", Hòa Phát cho biết.
Ngày hôm nay 16/3, Hòa Phát cũng đã ủng hộ 3 tỉ đồng tiền mặt chuyển tới Quỹ của Bộ Y tế và 2 tỉ đồng tiền mặt tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhằm hỗ trợ công tác kiểm soát đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Thời gian gần đây, giá cổ phiếu HPG giảm sâu từ khoảng 26.300 đồng/cp ngày 22/1 xuống còn 19.100 đồng/cp kết phiên hôm nay 16/3, tương đương tỉ lệ giảm hơn 27%.
Trong bối cảnh cổ phiếu lao dốc, ông Trần Vũ Minh - con trai Chủ tịch Trần Đình Long - đã đăng kí mua 20 triệu cổ phiếu HPG qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, thời gian từ ngày 17/3 đến 16/4/2020, tổng giá trị khoảng 380-400 tỉ đồng. Sau giao dịch, ông Minh dự tính nâng tỉ lệ sở hữu tại Hòa Phát từ 0% lên 0,72%.