Hồ sơ 7-Eleven, gã khổng lồ bán lẻ sắp nhảy vào Việt Nam
7-Eleven đã trở thành một cái tên thân quen tại nhiều quốc gia trên thế giới và được đánh giá là chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất trong lịch sử thế giới. Hiện tại, doanh nghiệp này hoạt động tại 18 quốc gia với hơn 59.800 cửa hàng, gồm hơn 18.700 cửa hàng tại Nhật Bản - chiếm 31% tổng số.
Khởi nguồn từ công ty nước đá
Năm 1927, Joe C.Thompson, một trong những giám đốc sáng lập Ice Southland, cho phép Jefferson, một nhân viên, bán trứng, sữa và bánh mỳ tại một trong những cửa hàng của công ty ở thành phố Dallas. Khi đó, những cửa hàng tạp hóa nhỏ và những gánh hàng rong khá phổ biến.
Tuy nhiên, Jefferson nhanh chóng nhận ra lợi thế của việc bán những sản phẩm như bánh mỳ và sữa trong các cửa hàng tiện lợi. Nó giúp khách hàng không phải đi những quãng đường xa để tìm mua hàng hóa cơ bản. Cuối cùng, anh mua lại Công ty Ice Southland và đổi tên thành Công ty Southland.
Năm 1928, Jenna Lira, một giám đốc điều hành, mang về một cột gỗ, là món quà lưu niệm từ bang Alaska, và đặt nó trước cửa hàng. Món quà này thu hút sự chú ý của rất nhiều khách hàng. Sau đó, doanh nghiệp quyết định đặt những cột gỗ tương tự trước mỗi cửa hàng và đặt tên cửa hàng là Tote'm Store - nghĩa là khách đến mua hàng và mang đi.
Dù sinh ra tại Mỹ, 7-Eleven rất thành công tại châu Á. Ảnh: Reuters.
Southland liên tục phát triển cho đến khi Đại suy thoái xảy ra và đẩy doanh nghiệp về phía bờ vực phá sản. Tuy nhiên, công ty vẫn tiếp tục hoạt động thông qua tái tổ chức và tiếp quản.
WW Overton Jr., một nhân viên ngân hàng ở Dallas giúp Southland sống lại bằng cách bán trái phiếu của công ty, đem lại quyền sở hữu dưới sự kiểm soát của một ban giám đốc.
7-Eleven ra đời
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, nhằm tận dụng trạng thái bùng nổ kinh tế, tên của chuỗi cửa hàng đổi thành 7-Eleven. Cái tên này phản ánh thời gian mà cửa hàng hoạt động, từ 7h sáng đến 23h đêm - điều chưa từng có tại thời điểm đó.
Mãi đến năm 1968, doanh nghiệp mới thử nghiệm một cửa hàng mở cửa cả ngày tại thành phố Austin, bang Texas. Sau đó, chuỗi cửa hàng phục vụ 24/7 dần phát triển và phổ biến tới ngày nay.
Với việc mua lại 126 cửa hàng nhượng quyền tiện lợi Speedee Mart vào năm 1964 tại bang California, doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực kinh doanh nhượng quyền lương mại. Công ty ký thỏa thuận cấp phép khu vực đầu tiên vào năm 1968 với Garb-Ko của thành phố Saginaw, bang Michigan.
Những năm cuối thập niên 80, Southland lao đao bởi những tin đồn khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Từ năm 1987 đến năm 1990, doanh nghiệp này thanh lý các tài sản khác nhau nhằm giảm nợ phát sinh. Sự thu hẹp này cũng dẫn đến sự biến mất của một số cửa hàng 7-Eleven.
Tháng 10/1990, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản và phải đệ đơn chuyển quyền kiểm soát 70% cổ phần công ty cho Ito-Yokado. Gia đình Thompson chỉ giữ 5%. Sau đó gần một năm, Ito-Yokado và Seven Eleven Japan đổ 430 triệu cứu Southland thoát khỏi phá sản.
Năm 1999, Southland Corp đổi tên thành 7-Eleven Inc. Năm 2005, Ito-Yokado thành lập Seven & I Holding Co và 7-Eleven trở thành công ty con. Năm 2007, Seven & I Holding tuyên bố mở rộng hoạt động tại Mỹ với việc thêm 1.000 cửa hàng tại quốc gia này.
Ông chủ của chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn thứ 2 thế giới hiện là Masatoshi Ito, một tỷ phú người Nhật và đồng thời là nhà sáng lập kiêm chủ tịch của Seven & I Holdings. Tỷ phú Ito sở hữu tài sản ròng ước tính lên đến 4,1 tỷ USD, theo Forbes. Ông xếp thứ 9 trong danh sách “50 người giàu nhất Nhật Bản” năm 2015 và đứng thứ 512 danh sách các tỷ phú của thế giới năm 2015 của Forbes.
2 tiếng, một cửa hàng
Theo Business Insider, cứ 2 tiếng lại có một cửa hàng mới của 7-Eleven được mở ra tại đâu đó trên thế giới. Năm 2007, thương hiệu này vượt qua McDonald về độ phổ biến. Ngoài ra, doanh nghiệp tại mỗi một khu vực lại có những đặc điểm riêng.
Tại Mỹ, 7-Eleven hơi giống các cửa hàng tạp hóa và siêu thị mini trừ việc họ bán một loại đồ uống gọi là Slurpee, biểu tượng của chuỗi cửa hàng này. Slurpee ra đời vào cuối những năm 1950.
Trong một lần máy làm soda bị hỏng, nhân viên cửa hàng đã đặt những chai soda vào trong tủ lạnh. Khi lấy ra, nước trong chai tạo thành lớp đá xốp, khi uống thấy lạo xạo. Sự cố này đã tạo ra một món đồ uống hút khách. Từ năm 2002, cửa hàng tặng miễn phí hàng triệu lít Slurpee vào ngày 7/11 để kỷ niệm sinh nhật của công ty.
Cửa hàng 7-Eleven tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Dù khởi nguồn từ Mỹ, 7-Eleven đạt thành công tại nhiều khu vực, đặc biệt là châu Á - nơi mà thương hiệu này đã trở thành một phần của cuộc sống.
Tại Indonesia, cửa hàng giống một quán cafe và quen thuộc với 65% khách hàng dưới độ tuổi 30. Doanh nghiệp cung cấp wifi miễn phí, bàn ghế xếp cả trong và ngoài, và có cả nhạc sống. Giới trẻ tụ tập mỗi đêm, sau những giờ học và làm việc căng thẳng.
Trong khi đó, tại Đài Loan, thương hiệu này thậm chí phổ biến hơn Starbucks tại Texas. Ở Đài Bắc, hơn 4.400 địa điểm đặt trong một thành phố 23 triệu dân với nhiều khu vực có trên 2 cửa hàng.
Ở khu vực Đông Nam Á, 7-Eleven đã xuất hiện tại Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia và chuẩn bị mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 8/2018, theo Financial Times.
Gã khổng lồ trong ngành bán lẻ từng nhiều lần bày tỏ tham vọng tấn công thị trường Việt. Giữa năm 2015, công ty này tuyên bố ký hợp đồng nhượng quyền độc quyền tại đây và dự định mở khoảng 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới.
7-Eleven Việt Nam là dự án hợp tác giữa công ty con của 7-Eleven Japan có văn phòng tại Mỹ và liên doanh mới là Công ty Seven System Vietnam. Phía Mỹ không công bố đối tác trong liên doanh Seven System, nhưng Nikkei xác định đối tác chính là công ty IFB Vietnam, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu nhượng quyền Pizza Hut tại Việt Nam.
Trước đó, thị trường từng rộ lên tin đồn vào giữa năm 2013 rằng Tập đoàn CP All của Thái Lan sẽ triển khai mô hình đầu tư trực tiếp chuỗi cửa hàng 7-Eleven trước khi nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó, thông tin này nhanh chóng bị xóa bỏ khi không bên nào có động thái thúc đẩy mục tiêu thành hiện thực.