|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Pakistan

01:59 | 01/02/2020
Chia sẻ
Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Pakistan được kí kết với mong muốn mở rộng và phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Pakistan trên cơ sở hai nước cùng có lợi.
Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Pakistan - Ảnh 1.

Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Pakistan. (Ảnh minh họa. Nguồn: freepik)

Thông tin cơ bản về Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Pakistan

Thời gian kí kết: ngày 3/5/2001.

Nơi kí kết: Hà Nội, Việt Nam.

Danh sách thành viên tham gia kí kết: Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Pakistan.

Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Pakistan được kí kết với mong muốn mở rộng và phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Pakistan trên cơ sở hai nước cùng có lợi.

Trong khuôn khổ pháp luật và những quí định hiện hành của mỗi nước, Việt Nam và Pakistan sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để tạo thuận lợi, tăng cường và đa dạng hóa thương mại giữa hai nước. 

Hai nước sẽ khuyến khích các nhà doanh nghiệp và các tổ chức liên quan của mỗi nước tìm kiếm các khả năng hợp tác ngắn hạn và dài hạn và trong các trường hợp thích hợp, sẽ kí các hợp đồng cụ thể. 

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Pakistan 

Việt Nam sở hữu thị trường rộng lớn với trên 93 triệu dân, đồng thời có mối quan hệ hợp tác thương mại kinh tế với thị trường ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Doanh nghiệp Pakistan đang đứng trước cơ hội đầu tư sâu rộng và đầy tiềm năng phát triển. 

Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, cũng như hợp tác tổ chức các hội thảo, hội chợ trưng bày sản phẩm hai nước để quảng bá sản phẩm sâu rộng đến người dân và doanh nghiệp.

Pakistan xuất khẩu sang Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn. Với vị trí chiến lược cùng thị trường rộng lớn với 200 triệu dân, thuận tiện trong việc kết nối giao thương, đồng thời có mối quan hệ hợp tác kinh tế với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu. 

Hiện nay, Chính phủ Pakistan có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư cũng như cung cấp các dịch vụ phù hợp cho các doanh nghiệp nước ngoài để thu hút đầu tư.

Các doanh nghiệp Pakistan cho biết, họ vẫn còn thiếu những thông tin về thị trường và cơ hội hợp tác với Việt Nam và mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về thị trường Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như đề xuất hai nước sớm thiết lập đường bay thẳng để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp hai nước tăng cường giao thương.

Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Pakistan và Việt Nam mới chỉ đạt 633 triệu USD là rất thấp so với tiềm năng. 

Pakistan có thế mạnh trong xuất khẩu dụng cụ phẫu thuật, lương thực, hải sản, công nghệ thông tin, sản phẩm da, và thuốc chữa bệnh. Cơ hội xuất khẩu các sản phẩm này sang Việt Nam là rất hấp dẫn.

Hai nước đặt ra mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều có mức tăng vượt bậc, hướng tới đạt 1 tỉ USD trong thời gian tới.

Đãi ngộ tối huệ quốc theo Hiệp định

Các Bên kí kết sẽ dành cho nhau chế độ đãi ngộ tối huệ quốc trong lĩnh vực thuế quan cũng như các thủ tục hải quan liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước. 

Những qui định của điều khoản này sẽ không áp dụng cho: 

- Những ưu đãi mà các Bên kí kết đã dành hoặc sẽ dành cho các nước láng giềng của mình để tạo thuận lợi cho thương mại và giao thông biên giới. 

- Những ưu đãi được hưởng do một liên minh thuế quan, liên minh kinh tế, khu vực mậu dịch tự do hoặc các thỏa thuận quốc tế tương tự hoặc các dạng thỏa thuận hợp tác kinh tế khu vực và tiểu khu vực mà một Bên kí kết là hoặc sẽ là một Bên tham gia. 

Chi tiết về Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Pakistan 

Phùng Nguyệt