|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ

18:34 | 01/02/2020
Chia sẻ
Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ được kí kết nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Miyegombo Enkhbold. Nguồn: VGP

Thông tin cơ bản về Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ

Thời gian kí kết: ngày 13/12/1999.

Nơi kí kết: Hà Nội, Việt Nam.

Danh sách thành viên tham gia kí kết: Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Mông cổ.

Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ được kí kết nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.

Hai nước kí kết căn cứ vào khả năng và nhu cầu của mỗi nước khuyến khích phát triển liên tục, ổn định và lâu dài quan hệ thương mại giữa hai nước theo khuôn khổ luật pháp và các qui định hiện hành của mỗi nước. 

Giá cả hàng hoá trong các hợp đồng ngoại thương sẽ căn cứ theo mức giá thị trường quốc tế của hàng hoá ấy, do các pháp nhân và thể nhân được quyền kinh doanh ngoại thương của hai nước thỏa thuận. 

Việc thanh toán tiền hàng và dịch vụ được thực hiện theo thông lệ quốc tế và bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi phù hợp với luật quản lí ngoại hối hiện hành của mỗi nước. 

Các trường hợp đặc biệt liên quan đến việc giải quyết thanh toán sẽ do các tổ chức ngân hàng của hai nước thỏa thuận thông qua thương nghị. 

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ

Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1954. Tuy nhiên đến nay, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. 

Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 giữa Việt Nam và Mông Cổ đạt 31,5 triệu USD, giảm 53,6% so với năm 2017; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Mông Cổ đạt 18,7 triệu USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Mông Cổ đạt 12,8 triệu USD. 

Kim ngạch thương mại song phương vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu thực tế của hai nước.

Để đạt được kết quả như mong muốn và hướng đến đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai song phương 70 triệu USD vào năm 2020 như đã đề ra, Việt Nam và Mông Cổ cần trao đổi, phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm kim ngạch xuất nhập khẩu thời gian gần đây và xử lí các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới thương mại hai nước. 

Trong đó, hai nước cần tập trung triển khai một số biện pháp cụ thể như sau: 

- Xem xét nghiên cứu khả năng tổng hợp nhu cầu vận tải quốc tế của Mông Cổ trong tuyến liên vận qua Trung Quốc hoặc Nga, nhằm tận dụng vận tải hai chiều để giảm cước phí vận chuyển; 

- Thúc đẩy mở đường bay thẳng hai chiều giữa Hà Nội và Ulanbato; 

- Đánh giá, sớm công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn vệ sinh kiểm dịch đối với các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam và các sản phẩm chăn nuôi (thịt dê, cừu) của Mông Cổ, nhằm giảm bớt thủ tục và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hàng hóa mà hai nước có thế mạnh; 

- Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng và năng lượng.

 Chi tiết về Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ 

Phùng Nguyệt