Hiệp định CPTPP và EVFTA – Cơ hội, thách thức cho ngành thủy sản Việt Nam
Nhờ việc gia nhập WTO, cùng với việc tham gia 16 hiệp định FTA với các nước (chiếm tỷ trọng lớn 73% kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam), trong đó 11 FTA đã được ký kết và có hiệu lực, chiếm 55% XK thủy sản, thị trường XK cho DN VN ngày càng rộng mở, cơ hội từ ưu đãi thuế quan XNK và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm thủy sản là những thuận lợi từ hội nhập quốc tế mang lại cho ngành thủy sản – một trong những ngành đi đầu về hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Cũng từ đó uy tín và thương hiệu thủy sản Việt Nam được nâng cao hơn và sản phẩm được XK đi 160 thị trường trên TG với sự gia tăng mạnh mẽ SX và XK các mặt hàng chủ lực như tôm (3,5-4 tỷ USD/năm), cá tra (1,8 – 2,2 tỷ USD/năm), cá ngừ, mực bạch tuộc 1tỷ USD – 1,2 tỷ USD/năm cùng với 1,2- 1,5 tỷ USD các loại cá biển khác…
Bên cạnh những FTA thế hệ cũ, việc Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho các ngành XK như ngành thủy sản, đặc biệt là những cơ hội từ thuế quan XNK.
Với 11 nước tham gia CPTPP, thủy sản Việt Nam có cơ hội gia tăng XK sang 10 thị trường, vốn đang chiếm 25% tổng XK thủy sản của Việt Nam, vì hầu hết được cắt giảm thuế về 0%. Tại một số thị trường lớn như Nhật Bản, cơ hội thuế XK thấy rõ khi hầu hết sản phẩm chế biến đang chịu thuế cơ bản 4,8 – 10,5% được giảm về 0% ngay, trừ sản phẩm từ cá trích, cá thu có lộ trình 6 năm và sản phẩm có gạo có lộ trình 11 năm. Sản phẩm có mã HS 03 bao gồm cá ngừ vây xanh, cá ngừ mắt to, cá ngừ albacore, cá hồi, cá trích, cá thu, cá cơm, cá kiếm, cá tuyết, cá minh thái lộ trình giảm thuế 6 – 11 năm...Trừ mặt hàng cá ngừ và một số cá biển sẽ phải có lộ trình giảm thuế 6-11 năm, XK tôm, cá tra và các sản phẩm khác hầu như được giảm thuế XK về 0% tại các thị trường CPTPP. Các nước này đang chiếm 31% XK tôm của Việt Nam, 15% XK cá tra và 31% XK hải sản.
Ngoài ra, Việt Nam tham gia CPTPP phải kể đến cơ hội đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu từ việc gia tăng NK từ các nước để SX chế biến XK và gia công nhờ thuế NK giảm hoặc về 0%. Các nước CPTPP chiếm gần 16% NK thủy sản của Việt Nam.
Đối với hiệp định EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.
Cụ thể sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực có một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến…Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%...
Đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh (HS 03061792) được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các SP tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh (loin) cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn.
EU đã và đang là thị trường XK thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17%-18% trong tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam sang các thị trường. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng XK của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 -35%.
Ngoài những lợi ích cơ bản là thuế XNK, tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và ECFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với các đối tác (Ấn Độ, Thái Lan); Thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm; Tạo ra động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai bên; Có điều kiện tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia; Được đảm bảo môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn (nhờ cải thiện quy định, chính sách phù hợp theo các điều khoản FTA).
Tuy nhiên, sẽ có những thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam khi tham gia CPTPP và EVFTA như: các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của ta so với các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá thành…
Để tận dụng được lợi thế từ CPTPP và EVFTA cũng như các hiệp định FTA khác như thuế XNK và các cơ hội khác, cũng như tránh những rủi ro, hạn chế những bất lợi do những thách thức mang lại, trước hết các DN thủy sản cần nắm và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của các hiệp định FTA (chú ý hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được quy định riêng cho mỗi FTA); Tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước & tại các đối tác FTA. Tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan (hiện nay tỷ lệ tận dụng chưa cao). DN cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững – đó là những yêu cầu có trong FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP. Các DN cần tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt ATVSTP; cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu.