Hiệp định CPTPP chuẩn bị được ký kết chính thức
Sản xuất, chế biến thịt, sữa… có lo ngại hiệp định CPTPP? |
Nhật Bản thông qua việc ký kết CPTPP |
Trước đó, các bên đã tiến hành quá trình rà soát pháp lý cũng như hoàn tất các thủ tục nội bộ để chuẩn bị cho việc ký kết. Theo kế hoạch đã được thống nhất, các Trưởng đoàn đàm phán của 11 nước tham gia Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam sẽ chính thức ký Hiệp định.
Ảnh minh họa: AP |
Việc ký kết Hiệp định thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của 11 nước, đặc biệt là Nhật Bản nhằm kết thúc toàn diện đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và cân bằng sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định.
Hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa còn gặp nhiều khó khăn và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới.
Trước đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi hiệp định, cho rằng hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ và nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại song phương.
Cuối năm 2017, 11 nước thành viên còn lại đã đổi tên Hiệp định TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với nỗ lực khôi phục hiệp định trên thông qua nhiều vòng đàm phán.
Theo văn bản được công bố, nội dung Hiệp định TPP gồm 30 chương bao quát rộng về thương mại, thuế quan, đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường...
Hiệp định CPTPP về cơ bản sẽ giữ nguyên nội dung đã đàm phán của TPP nhưng sẽ có thêm 2 phụ lục và bổ sung quy định về tính hiệu lực, quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai:
Phụ lục thứ nhất về Danh mục 20 nghĩa vụ tạm hoãn thực thi của TPP và 4 nội dung cần đàm phán lại như đầu tư và cấp phép đầu tư; giải quyết tranh chấp viễn thông; điều kiện tham dự thầu; đối tượng có thể cấp bằng độc quyền sáng chế; minh bạch và công bằng về thủ tục đối với hàng hóa dược phẩm và thiết bị y tế… Phụ lục thứ 2 về 7 điều liên quan đến những điểm kỹ thuật của hiệp định mới.
Về quy mô, Hiệp định TPP chiếm 40% GDP, 30% thương mại toàn cầu và có 800 triệu dân. Trong khi đó, Hiệp định CPTPP chiếm khoảng 15% GDP, 15% tổng thương mại toàn cầu và 500 triệu dân.
Bên cạnh đó, theo quy định TPP ban đầu, tỷ lệ GDP của các nước triển khai phải đạt được 85% tổng GDP của 12 nước (ký năm 2013) thì hiệp định mới có hiệu lực. Với việc Mỹ chiếm 60% GDP, TPP ít nhất sẽ cần thay đổi điều khoản hiệu lực để có thể bắt đầu. Vì vậy, quy định này của CPTPP đã được thay đổi. Theo đó, chỉ cần ít nhất 6 quốc gia thành viên ký phê chuẩn thì 60 ngày sau, hiệp định sẽ có hiệu lực.