'Hiện tượng' tăng trưởng tín dụng thấp - kì tích của năm 2018?
Tính đến 20/12, tăng trưởng tín dụng năm 2018 ước đạt 13,3% |
Ảnh minh hoạ. |
Tăng trưởng tín dụng với con số thấp kỉ lục
Khép lại một năm với nhiều bất ngờ về bức tranh của nền kinh tế Việt Nam với tăng trưởng GDP đạt mức cao kỉ lục trong 10 năm trở lại đây (7,08%), CPI bình quân năm tăng 3,54% so với năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại chỉ dừng ở mức 13,3% (theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến 20/12).
Theo báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC), tính đến hết năm 2018 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) ước đạt 14 - 15%. Xét về cơ cấu tín dụng, theo báo cáo của các TCTD, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 16,6% tổng tín dụng toàn hệ thống, dư nợ cho vay phục vụ đời sống chiếm khoảng 18,8%.
Cơ cấu tín dụng và Tăng trưởng tín dụng qua các năm của hệ thống TCTD (Nguồn: UBGSTC) |
Cho biết trong cuộc họp cuối năm với các tổ chức tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tăng trưởng tín dụng năm 2018 được kiểm soát dưới mức 16%. Thống kê của NHNN trước đó cho biết, tăng trưởng tín dụng các năm từ 2015 đến 2017 là 17,29%; 18,71%; 18,17%.
Mặc dù mỗi một đơn vị đưa ra những con số khác biệt nhau nhưng khi so sánh với các mức tăng trưởng tương ứng trong các năm trước thì đây là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Nhận xét về mức tăng trưởng này, Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ: "Khi nghe nói đến con số 14 - 15% về tăng trưởng tín dụng của năm nay thì ai cũng bất ngờ. Đây có thể nói là một trong những con số kỉ lục về điều hành tín dụng của ngân hàng trung ương trong vòng hàng mấy chục năm trở lại đây."
Ông đánh giá NHNN đã rất quyết liệt trong việc duy trì một mục tiêu dài hạn rằng giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức mà có thể kiểm soát tăng trưởng kinh tế dài hạn. Ông cũng cho rằng việc giữ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp là một trong những yếu tố hỗ trợ làm giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay tring dài hạn trong năm 2019.
Khi nền kinh tế tạo ra "hiện tượng" là tăng trưởng GDP cao trong khi lạm phát và tăng trưởng tín dụng thấp, thì các TCTD cũng tạo ra một "hiện tượng" khác khi tăng trưởng tín dụng thấp nhưng lợi nhuận lại đạt mức tăng trưởng cao.
Theo UBGSTC, trong năm 2018, lợi nhuận sau thuế của các TCTD ước tăng khoảng 40% so với năm 2017. Cùng với đó, các chỉ tiêu sinh lời tiếp tục được cải thiện, ROA ước đạt 0,9% cao hơn mức 0,73% trong năm 2017; ROE ước đạt 13,6% cũng cao hơn mức 11,22% của năm 2017.
Vì sao tăng trưởng tín dụng thấp?
Làm sao để thực hiện song song được hai mục đích tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nền kinh tế và kiểm soát lạm phát là vấn đề được đặt ra trong năm 2018 cho việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Ngay từ đầu năm 2018, NHNN đã xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng cả năm 2018. NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống.
Nhận định về kế hoạch thực hiện trong năm 2018, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã cho biết con số tăng trưởng tín dụng dưới 17% là một chỉ tiêu phù hợp để có thể vừa đạt được tăng trưởng cũng như đảm bảo kiểm soát được lạm phát.
Đầu tháng 8, NHNN ra quyết định vào không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hay "khoá room tín dụng" trong năm 2018 trừ trường hợp đặc biệt, như một số NHTM tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém). Cùng với đó, tiến hành kiểm tra các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ…
Có thể nói rằng quyết định khoá "room" tăng trưởng tín dụng là một "gáo nước lạnh" cho các TCTD vào những tháng cuối năm khi đây được xem là thời điểm nhu cầu vốn tăng cao nhất trong năm. Thông thường ở những năm trước, các TCTD thường trình NHNN vào cuối quí III để xin nới thêm hạn mức tăng trưởng được cấp vào đầu năm.
Và cũng kể từ sau khi NHNN đưa ra quyết định này, những thông tin về tăng trưởng tín dụng cũng ít được nhắc đến trong các báo cáo hàng tháng của Tổng cục Thống kê, UBGSTC hay của NHNN. Mãi đến thời điểm cuối năm, các con số này mới được công bố rộng rãi ra bên ngoài.
Nhiều ngân hàng đã tìm mọi cách để được nới thêm "room" kể cả việc xin tham gia hỗ trợ các TCTD, quĩ tín dụng nhân dân để được tăng hạn mức. Tuy nhiên, theo thông tin công bố đến thời điểm hiện tại, chỉ có Techcombank và MBBank là hai ngân hàng được phê duyệt. Techcombank được tăng từ 14% lên 20% và MBBank được tăng từ 15% lên 17%.
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quí III/2018 của 22 ngân hàng khảo sát, tăng trưởng cho vay khách hàng bình quân đạt 11,3%. Trong đó, có ba ngân hàng có số dư cho vay khách hàng giảm là Eximbank, SHB và PG Bank. Top ba ngân hàng tăng trưởng cao nhất là Nam A Bank (24,9%); Vietcombank (15,6%), HDBank (15,7%).
Tăng trưởng cho vay khách hàng trong 9 tháng đầu năm 2018 (Nguồn: DB tổng hợp từ BCTC các ngân hàng). |
CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) từng có nhận định rằng áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm và tăng trưởng GDP trong quí III là yếu tố quyết định chủ trương tăng trưởng tín dụng năm 2018.
Nếu tăng trưởng GDP có dấu hiệu chậm lại trong quí III và lạm phát ổn định thì NHNN sẽ phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy GDP. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra.
Đặt hạn mức tín dụng là phi thị trường?
Có thể nhận thấy việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong đó có việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các TCTD là một trong những yếu tố quan trọng mang tính quyết định trong việc kiểm soát tín dụng trong năm 2018.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Giảng viên của trường Đại học Fulbright: "Việc cấp 'quota' tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng của NHNN là phi thị trường". Ông đề xuất "nên có chính sách nếu ngân hàng nào áp dụng thành công Basel II sẽ không bị hạn chế tăng trưởng tín dụng để tạo động lực cho các ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu."
Ông Lê Xuân Nghĩa cũng nhận định việc đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đồng nghĩa với việc hạn chế, dẫn đến giảm lợi tức rồi giảm đầu tư. Theo ông, nên cho phép ngân hàng nào tăng được vốn sẽ được tăng tín dụng, nó sẽ trở thành động lực khuyến khích các ngân hàng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/