Heineken lên kế hoạch tăng sản lượng tại Việt Nam
Sau khi mua lại, nhà máy này đổi tên thành Nhà máy bia Heineken Vũng Tàu và kế hoạch mở rộng đã được trình lên Bộ Công Thương.
Heineken nhận định Việt Nam là thị trường mang lại lợi nhuận đứng thứ 2, sau Mexico, và có tiềm năng rất lớn với lượng tiêu thụ bia trong năm nay đạt khoảng 3,4 tỷ lít, dự kiến đạt 4,1 tỷ lít vào năm 2020.
Hãng bia này cũng nhận định số người Việt đủ tuổi sử dụng đồ uống chứa cồn (từ 18 tuổi trở lên), sẽ vượt qua con số 72 triệu vào năm 2021 (hiện nay khoảng 69 triệu).
Việt Nam là thị trường mang về lợi nhuận lớn thứ 2 cho Heineken, sau Mexico, và có tiềm năng rất lớn. Ảnh: AP.
Theo Nikkei, ông lớn ngành bia Hà Lan bước vào Việt Nam từ năm 1991, thông qua một liên doanh giữa Nhà máy bia Heineken châu Á Thái Bình Dương (chiếm 60%) và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (chiếm 40%).
Năm 2015, doanh nghiệp này đứng thứ 2 về thị phần với 25%, chỉ sau Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với 40%. Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) xếp thứ 3 với 18%. Phần còn lại thuộc về những hãng bia nhỏ hơn.
Heineken đã tăng sản lượng khoảng 14% mỗi năm kể từ năm 2012, gấp đôi tỷ lệ của Sabeco. Năm ngoái, doanh nghiệp sản xuất 729 triệu lít, so với 1,38 tỷ lít của Sabeco.
Năm 2015, Chính phủ công bố kế hoạch bán 50% cổ phần của Sabeco cho các đối tác chiến lược. Ông Phan Đăng Tuất, cựu Chủ tịch của Sabeco, cho biết doanh nghiệp ưu tiên các nhà đầu tư địa phương hơn các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ tránh các xung đột về lợi ích trên thị trường.
Song, trong một cuộc trao đổi với Bloomberg hồi tháng 9, ông Lê Hồng Xanh, Giám đốc điều hành của Sabeco, khẳng định công ty sẽ không quan trọng việc các nhà đầu tư đến từ đâu. Ai trả giá cao nhất sẽ là người chiến thắng. Ông cũng bày tỏ rằng Nhà nước muốn thoái vốn sớm. Tuy nhiên, giới hạn trong quy định về sở hữu nước ngoài đối với Sabeco vẫn chiếm 49% và chưa có dấu hiệu thay đổi.
Thai Beverage là một trong số các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm đến cổ phần của Sabeco, doanh nghiệp bia nội chiếm thị phần lớn nhất hiện nay sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM vào tuần tới.
Trong khi đó, một số nguồn tin cho hay Heineken đã mua lại 5% cổ phần và nhắm mục tiêu nâng cao tỷ lệ sở hữu. Hầu hết số cổ phần còn lại thuộc sở hữu Nhà nước, và có 9,35% trong tay của khoảng 17 tổ chức đầu tư nước ngoài.