|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Hãy coi nông dân là đối tác quan trọng trong mô hình khởi nghiệp của chính mình'

07:01 | 10/08/2019
Chia sẻ
"Đừng coi người nông dân là đối thủ và cạnh tranh với họ. Hãy coi họ là đối tác quan trọng trong mô hình khởi nghiệp của chính mình"

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đức Ninh, Giám Đốc Công ty Cổ phần Alofarm Việt Nam, người khá quen thuộc trong cộng đồng các bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp thời gian qua  về thực tế nhiều bạn trẻ dám nghĩ, dám dấn thân đầu tư phát triển nông nghiệp với nhiều cách làm mới khá sáng tạo. 

Tuy nhiên nông nghiệp là ngành khó thu hút vốn đầu tư bởi rất nhiều rủi ro.

Nhiều startup sống... "dặt dẹo"

Nói đến phong trào khởi nghiệp nông nghiệp đã được khởi xướng trong mấy năm qua, nhiều người hình dung về một bức tranh không sáng sủa, thưa ông?

-Từ năm 2015 Chính phủ đã thấy đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp là vô cùng quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế tương lai. Riêng phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp rất được chú trọng. 

Là người từng được giao lưu, tham quan nhiều mô hình khởi nghiệp nông nghiệp ở các vùng miền của tổ quốc, tôi thấy tỷ lệ thất bại hoặc tình trạng dặt dẹo của các dự án là khá cao. 

Thực trạng này phản ánh đúng từ “mạo hiểm” mà các quỹ đầu tư cho startup đã đặt tên. Kiến thức về thị trường và kỹ năng vận hành bộ máy theo cơ chế thị trường của các startup nông nghiệp còn rất yếu.

Nhìn lại cấu trúc chuỗi giá trị trong nông nghiệp thì mọi rủi ro lớn nhất đang tập trung vào người sản xuất. Vì vậy nó đang thể hiện sự không bền vững trong nông nghiệp nước ta.

Tuy nhiên, không phải tất cả các bạn khởi nghiệp đều thất bại, đâu đó vẫn có những bạn trẻ hoặc những bác nông dân trở thành tỷ phú nhờ mạnh dạn dấn thân vào làm nông nghiệp. 

Chúng ta vẫn thấy xuất hiện những “tỷ phú” cam, bưởi, sầu riêng…và khá nhiều doanh nghiệp phất lên từ: phân, thuốc, giống…

Vấn đề của chúng ta là cần có những chiến lược và hành động cụ thể để đẩy số lượng tỷ phú “nông dân” nhiều hơn nữa , để đầu tư vào nông nghiệp không còn là sự sợ hãi của các doanh nghiệp, cá nhân... như thời gian qua.

Phong trào khởi nghiệp nông nghiệp trong mấy năm đã làm cho các bạn trẻ nhận thức thực tế hơn về nông nghiệp và rèn luyện bản lĩnh cần thiết cho các startup. 

Từ đó chuẩn bị cho những bước đi chắc chắn hơn trong thời gian tới dẫu còn nhiều thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng. 

Ngoài ra, hiệu ứng của phong trào đã góp phần khẳng định tầm quan trọng thực sự của nông nghiệp đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam hiện tại và trong tương lai.

Và cuối cùng cái được lớn nhất của phong trào khởi nghiệp trong mấy năm trở lại đây, theo tôi, đó là tạo ra một thế hệ NÔNG DÂN MỚI. 

Trong số đó có rất nhiều kỹ sư trẻ được học bài bản, những nhà quản lý ở lĩnh vực khác quay sang đầu tư cho nông nghiệp…Họ là những người có khả năng tự học, tiếp cận được với công nghệ tiên tiến, có tư duy quản lý tốt…

Tôi tin rằng chỉ cần thêm thời gian, thế hệ NÔNG DÂN MỚI này sẽ góp sức lớn cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam trong thời đại mới.

Có nhiều nhận xét cho rằng “Các bạn khởi nghiệp nông nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn còn màu mè và hình thức”. Ông nghĩ gì về nhận xét trên?

-Tôi thấy nhiều người khởi nghiệp nông nghiệp, chứ không riêng gì các bạn trẻ, khi bắt tay khởi nghiệp còn chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ năng… ở mức tối thiểu, nhưng lại có cái nhìn quá lạc quan về nông nghiệp, tự đặt cho mình một kỳ vọng quá cao hoặc trông chờ vào sự may rủi. 

Kèm theo một lỗi không nhỏ của một số kênh truyền thông với những biên tập viên, phóng viên “bay bổng”… vô tình đẩy nhiều bạn trẻ vào rơi vào những kỳ vọng thiếu thực tế khi dấn thân vào nông nghiệp.

Việt Nam mình mấy năm qua mở ra quá nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, các lớp học kiểu như “làm giàu không khó” khiến một số bạn trẻ tích cực tham dự hết hội thảo nọ lại lớp học kia, mà quên đi việc chính của mình là bắt tay vào làm và làm quyết liệt.

Rất nhiều đội nhóm hô hào, khuấy động làm những việc lớn lao, nhưng sau một thời gian đã tan rã với đủ các lý do như không có vốn hay tại một lỗi khách quan nào đó.

Tuy nhiên không phải tất cả đều thế. Tôi vẫn được gặp hay chứng kiến những người khởi nghiệp với "những bàn chân nứt nẻ" vì lội ruộng đồng, thức trắng đêm để chăng đèn, bắt sâu bọ, những người vừa sản xuất, vừa bán hàng kiêm ship hàng quên ăn, quên ngủ. 

Nhiều giáo sư,tiến sỹ hay các chuyên gia đã rời bỏ những nơi tốt nhất ở nước ngoài về nước chia sẻ, dẫn dắt, sát cánh cùng các em khởi nghiệp nông nghiệp. Nếu nhìn và gặp những con người này, tôi không hề nhìn thấy sự màu mè ở đâu cả!

Đừng coi nông dân là đối thủ

Vậy, việc khó khăn nhất hiện nay đối với các bạn trẻ khi bắt tay vào khởi nghiệp nông nghiệp là gì?

-Nhiều người khi khởi nghiệp, câu nói đầu tiên đều cho rằng đó là: "Vốn ở đâu?", hoặc "Trồng trọt, chăn nuôi ra bán cho ai?"

Nhưng theo quan điểm của tôi hai vấn đề trên không phải là mấu chốt của sự khó khăn trong khởi nghiệp; vấn đề chính lại là kiến thức, chất lượng sản phẩm và quy mô không đủ để tối ưu và đàm phán với các đối tác.

Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, người nông dân thế hệ mới vừa đóng vai trò là người quản lý, người sản xuất, Marketting, bán hàng thì tăng cường việc tự học để trang bị kiến thức là vô cùng cần thiết. Nếu học tập có chọn lọc và biết tận dụng tài nguyên internet, thì chắc chắn chúng ta sẽ không bị lãng phí thời gian vô ích.

Khi bắt tay khởi nghiệp, nếu tham gia sản xuất hãy chú ý hơn đến việc đầu tư cho công tác quy hoạch mô hình sản xuất. Nếu thiếu tiền thì đi thuyết phục nhà tài chợ, rủ người làm cùng. Quan trọng là phải tập trung làm thực sự và quyết liệt.

Trước thực tế như ông vừa phân tích, cá nhân ông có tin vào phong trào khởi nghiệp hiện nay?

-Có chứ! Tôi rất tin vào khởi nghiệp nông nghiệp. Khi đi tham quan một số nước có điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế tương tự Việt Nam, tôi vẫn đánh giá rất cao vào khả năng xoay sở tình thế, cách tiếp cận cái mới để phục vụ ruộng vườn của nông dân Việt Nam. 

Nếu được hỗ trợ thêm về pháp lý, môi trường đầu tư minh bạch, về vốn và tạo ra một sân chơi công bằng, tôi tin chúng ta sẽ có một hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp thành công trong thời gian tới.

Tôi xin nhấn mạnh, tôi đặt nhiều niềm tin với thế hệ nông dân mới được quy tụ mấy năm gần đây. Chắc chắn họ sẽ là người thay đổi được bộ mặt của nông nghiệp Việt Nam cho những năm tới.

Nên trồng cây gì và nuôi con gì tại thời điểm này nếu tôi là người bắt đầu khởi nghiệp, thưa ông?

-Câu hỏi chung chung kiểu này thường là khó trả lời. Vì nó phải được gắn trong một hoàn cảnh cụ thể, tôi mới có thể đưa ra một gợi ý sát với thực tế hơn.

Phải nhắc lại vấn đề lớn nhất gây khó khăn cho sự thành công của những người khởi nghiệp với nguồn lực ít ỏi chính là kiến thức, quy mô và chất lượng sản, phẩm dịch vụ. Sau đó mới đến vốn, đất đai và đầu ra sản phẩm.

Phát triển các lợi thế địa phương để tham gia sản xuất các sản phẩm cây trồng, vật nuôi theo hướng đặc sản vẫn là hướng đi phù hợp đối với các cá nhân khởi nghiệp quy mô nhỏ, hoặc mô hình nông hộ.

Các startup nên tập trung phát triển các chủng loại cây con vừa có cơ hội bán ở nội địa vừa tiềm năng xuất khẩu. Hãy tìm hiểu về gu và sở thích, tiêu chuẩn mà các nước chúng ta đang muốn bán cho họ đề ra. 

Hãy là một thành viên tích cực trong chính địa phương nơi mình khởi nghiệp, để chúng ta có quyền lực mềm kêu gọi được mọi người xung quanh tham gia vào chuỗi hàng hóa dịch vụ mình.

Tập trung chỉn chu cho mô hình của chính mình . Thay bằng việc tự mình cố sản xuất 50 ha, thì hãy tập trung làm tốt 05 ha và kêu gọi, hỗ trợ người dân xung quanh tham gia sản xuất 45 ha còn lại để thành một vùng sản xuất đủ quy mô, thu hút các xưởng chế biến hoặc các doanh nghiệp thương mại tham gia vào chuỗi cung ứng đầu ra cho sản phẩm.

Đừng coi người nông dân là đối thủ và cạnh tranh với họ. Hãy coi họ là đối tác quan trọng trong mô hình khởi nghiệp của chính mình.

'Hãy coi nông dân là đối tác quan trọng trong mô hình khởi nghiệp của chính mình' - Ảnh 1.

Còn đối với những người đã và đang khởi nghiệp nông nghiệp, theo ông, họ nên nên làm gì để giảm thiểu rủi ro trong lập nghiệp?

Hiện nay tôi chưa coi mình là thành công, nên không biết nói như thế nào. Nhưng theo những gì mình đã trải nghiệm và được chứng kiến tôi thấy ngoài yếu tố may mắn thì chúng ta nên:

Một là, giảm bớt cái tôi đi. Nông nghiệp là lĩnh vực có rất nhiều tham số tác động đến nên học hỏi liên tục là điều đương nhiên. Tôi đi nhiều nơi ở nước mình, thấy rất nhiều người mới thành công một chút đã luôn coi mình là giỏi nhất dẫn đến nhiều hành động chủ quan. Cùng trồng một cây nhưng đi 03 tỉnh khác nhau ở Miền Bắc tôi đều gặp những người tự xưng mình là số Một!

Hai là, đừng cố làm hết mọi thứ, biết kết hợp với các đối tác khác trên nguyên tắc win - win để hoàn thiện chuỗi cho mô hình của mình.

Ba là, sống chân thành trong các mối quan hệ và chăm chỉ hành động.

Bốn là, cần một bản lĩnh lỳ lợm và sự trải nghiệm của nhà khởi nghiệp để vượt qua các thử thách. Vì những điều không như mong muốn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Hãy coi đó là thử thách để không đổ lỗi.

Cuối cùng là hãy tập trung, tỉnh táo và chấp nhận thay đổi để thích nghi.

Đối với các bạn trẻ mới ra trường, hoặc các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm mà vẫn muốn khởi nghiệp ông sẽ khuyên các bạn ấy điều gì?

-Đừng kỳ vọng làm giàu nhanh chóng từ nông nghiệp vì thực tế điều đó xảy ra là rất hiếm.

Nông nghiệp là một "cuộc chơi tốn kém”, nếu bạn chấp nhận tỷ lệ thất bại là rất cao mà vẫn mong muốn tham gia, bạn cứ mạnh dạn. Nếu có lỡ thua thì sau mỗi thất bại, bạn đã có được rất nhiều thứ để tiếp tục khởi nghiệp lần nữa.

Còn nếu chưa sẵn sàng cho việc trên, tôi rất mong các bạn hãy tham gia khởi nghiệp khâu thương mại, vừa giúp được người nông dân bán được sản phẩm, vừa giúp có thêm kinh nghiệm và cái nhìn bao quát hơn trước khi làm cái gì đó lớn hơn. 

Đừng quên trong quá trình lập nghiệp hãy tìm một chuyên gia tư vấn và đánh giá đúng giá trị của họ để nhận được hỗ trợ.

Chính sách hỗ trợ kiểu cào bằng không thể hiệu quả

Đang có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam thiếu những yếu tố quan trọng để hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp được thuận lợi hơn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

-Thiếu các Chợ đầu mối cả online và offline có quy mô đủ lớn để người làm nông nghiệp dễ dàng tiếp cận với công nghệ, đầu vào và đầu ra. Hệ thống logistics cho nông nghiệp còn quá yếu kém khiến chi phí vận chuyển thì cao trong khi số lượng và chất lượng nông sản không đảm bảo khi giao cho khách hàng.

Thiếu các trung tâm cung cấp dịch vụ phân tích, kiểm định đầu vào, đầu ra chất lượng sản phẩm để lượng hóa các số liệu sản xuất kinh doanh dẫn đến người nông dân chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, cảm tính nên tiềm ẩn đầy rủi ro. 

Trong khi các cơ quan thuộc khối nhà nước có rất nhiều máy móc đắt tiền được trang bị nhưng chưa sử dụng hiệu quả, thậm chí bỏ không.

Ngoài ra nông nghiệp Việt Nam đang bị thiếu trầm trọng niềm tin. Đó là niềm tin với đồng đội, đối tác và khách hàng.

Ngoài các chính sách về tín dụng, đất đai và các khoản hỗ trợ khác, điều gì có thể tạo động lực cho những "nông dân thế hệ mới"?

-Thời gian tới nhà nước vẫn cần lưu ý một số nội dung mà theo tôi là rất quan trọng cho lực lượng khởi nghiệp nông nghiệp hiện nay như tập trung làm tốt khâu quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch đối với các vùng sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, Chính phủ nên coi công cuộc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp là công việc quan trọng và lâu dài. Hãy cải thiện hệ thống giáo dục từ đào tạo đại học xuống trung cấp, dạy nghề ở lĩnh vực nông nghiệp.

Nên bổ sung các môn mới cho phù hợp với thực tiễn như đào tạo kỹ năng quan sát vườn trại vật nuôi, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa làm việc, sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương hiệu…

Đồng thời, nên tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản, giúp nông dân trong việc bảo hộ thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp ở trong nước và quốc tế. Đưa tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông sản chiếm tỷ lệ cao hơn trong các hiệp định thương mại khi ký kết với các nước

Không những thế, rất cần sự cởi mở hơn trong việc quản lý thành lập các Hội nghề nghiệp. Vì nếu hoạt động đúng nghĩa Hiệp hội sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề như: quy hoạch sản xuất, định lượng nhu cầu thị trường, xây dựng các tiêu chuẩn, kết nối đối tác và đầu ra sản phẩm… 

Và họ sẽ bảo vệ quyền lợi của chính các hội viên. Ở nước ngoài Hiệp hội nghề nghiệp đã làm rất tốt nhiều việc mà nhà nước không phải là người tham gia.

Các chính sách hỗ trợ khu vực nông thôn không nên triển khai hỗ trợ cào bằng như hỗ trợ giống, phân thuốc…cho nhiều hộ một cách manh mún. 

Nên hỗ trợ tập trung cho những người có đủ kỹ năng, trình độ, nguồn lực để xây dựng một mô hình nông nghiệp có hiệu quả thực sự ở từng địa phương, đặt mục tiêu tối thiểu mỗi huyện có một mô hình đạt quy mô lớn để mô hình này chính là hạt nhân, gây hiệu ứng cho người dân trong khu vực tham gia dần thành vùng sản xuất

Cuối cùng là kiểm soát đầu vào trong nông nghiệp quyết liệt hơn để có một thị trường vật tư phục vụ sản xuất lành mạnh và công bằng.

-Xin được hỏi câu cuối : Vậy chiến lược kinh doanh của Alofarm thời gian tới là gì, thưa ông?

-Thời gian gian tới Alofarm sẽ tập trung vào 03 mảng kinh doanh như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu nông sản sâu và rộng hơn, hi vọng chúng tôi sẽ giúp một phần nào đó đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân.

Thứ hai, Alofarm kết hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị đào tạo khác để tham gia vào thị trường giáo dục. Nhưng tập trung vào đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho lực lượng nông dân thông qua hệ thống Elearning kết hợp với offline.

Thứ ba, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đầu vào như: giống, vật liệu sản xuất nông nghiệp mới thay thế đáp ứng tiêu chí "đẹp hơn – tiện hơn – tối ưu chi phí hơn" để giúp bà con nông dân có thêm sự lựa chọn trong sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Đức