|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hậu phá sản ngân hàng tiền số Celsius: Hàng triệu khách hàng kêu cứu vì trở thành người vô gia cư, muốn tự tử vì vỡ nợ

08:30 | 04/08/2022
Chia sẻ
Celsius Network, từng là gã khổng lồ của thế giới cho vay tiền số đang hoàn tất thủ tục phá sản và đối mặt với những cáo buộc lừa đảo. Đáng chú ý, nhiều khách hàng đang kêu cứu và mong được hỗ trợ lấy lại tiền.

Christian Ostheimer, một nhà đầu tư 37 tuổi sống ở Connecticut, đã viết trong bức thư gửi tới tòa án quận phía Nam thành phố New York rằng, vì tin tưởng Celsius nên anh đã đầu tư tiền tiết kiệm hưu trí của mình và mất tới hơn 30.000 USD, sau đó rơi vào “rắc rối về thuế không thể vượt qua nổi”.

Câu hỏi hiện nay về tương lai của những nhà đầu tư, khách hàng mất tiền vì rót vốn vào Celsius là cuối cùng, ngay cả khi ngân hàng cho vay tiền điện tử này hoàn thành thủ tục phá sản thì ai sẽ là người được trả nợ trước? Liệu ngày đó có đến hay không?

Vụ phá sản của Celsius tác động mạnh tới niềm tin của nhà đầu tư với thị trường

Theo CNBC, hồi tháng 10/2021, Giám đốc điều hành Alex Mashinsky cho biết công ty cho vay tiền điện tử có tài sản 25 tỷ USD hiện đang được quản lý rõ ràng, hiệu quả. Hiện tại, tài sản của Celsius đang giảm xuống còn 167 triệu USD “tiền mặt” và vẫn có thể cung cấp khả năng “thanh khoản dồi dào” để hỗ trợ các hoạt động trong quá trình tái cơ cấu. Theo hồ sơ phá sản, Celsius đang nợ nhà đầu tư, khách hàng của mình khoảng 4,7 tỷ USD.

 Vụ phá sản của Celsius và các cuộc điều tra liên quan của SEC khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh khốn cùng. (Nguồn: CNBC)

Hồ sơ đó cũng cho thấy rằng Celsius có hơn 100.000 chủ nợ, một số người đã cho nền tảng vay tiền mặt mà không cần bất kỳ tài sản thế chấp nào để hỗ trợ thỏa thuận. Danh sách 50 chủ nợ không có bảo đảm hàng đầu bao gồm công ty thương mại Alameda Research của Sam Bankman-Fried, cũng như một công ty đầu tư có trụ sở tại Quần đảo Cayman. Những chủ nợ này có khả năng là những người đầu tiên có thể lấy lại tiền của họ, trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ phải “khóc ròng”.

Không giống như hệ thống ngân hàng truyền thống, thường đảm bảo tiền gửi của khách hàng, với các ngân hàng tiền số như Celsius thì không có biện pháp chính thức nào để bảo vệ người tiêu dùng khi xảy ra sự cố.

Trong các điều khoản và điều kiện của Celsius, bất kỳ tài sản kỹ thuật số nào được chuyển sang nền tảng đều tạo thành một khoản vay – nghĩa là Celsius vay tiền số từ khách hàng của mình. Vì không có tài sản thế chấp nào do Celsius đưa ra, tiền của khách hàng về cơ bản chỉ là các khoản vay không có bảo đảm.

Tệ hơn nữa, các điều khoản và điều kiện của Celsius là trong trường hợp phá sản, “bất kỳ tài sản kỹ thuật số đủ điều kiện nào được sử dụng trong Dịch vụ Kiếm tiền hoặc làm tài sản thế chấp theo Dịch vụ Vay tiền đều có thể không thu hồi được”, và khách hàng “có thể không có bất kỳ biện pháp hoặc quyền pháp lý nào liên quan đến các nghĩa vụ của Celsius”. Điều khoản này chẳng khác nào một tin tức “sét đánh ngang tai” vì nếu mọi thứ không suôn sẻ (như hiện tại) thì Celsius được miễn rất nhiều trách nhiệm.

Hôm 19/7 vừa qua, Celsius đã công bố một tài liệu hướng dẫn chi tiết các bước tiếp theo cho khách hàng. Trong đó, nền tảng cho biết kế hoạch phá sản theo Chương 11 của họ sẽ “cung cấp cho khách hàng tùy chọn để nhận lại tiền mặt với mức chiết khấu cụ thể hoặc giữ lại tiền điện tử 'lâu dài'”, nhưng không rõ liệu khi nào, bao giờ thì nhà đầu tư “nhìn thấy” tiền của mình lần nữa.

Lời cầu cứu từ các nhà đầu tư

Trong hàng trăm lá thư chính thức được đệ trình lên tòa án trên khắp nước Mỹ, các nhà đầu tư nhỏ lẻ xin được ưu tiên nhận lại tiền của họ. Flori Ohm, một bà mẹ đơn thân của 2 cô con gái đang học đại học, cho biết gia đình đã "bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về tài chính và sức khỏe tinh thần" bởi vụ phá sản, khiến tiền của cô bị mắc kẹt trên nền tảng. Ohm cho biết cô không thể ngủ hoặc không thể tập trung vào công việc. “Tôi đang vật lộn khó khăn [để kiếm sống]”, cô viết.

 Đặt niềm tin vào Celsius đã khiến hàng triệu người rơi vào thế khó. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó Jeanne Y Savelle, người tự mô tả mình là "một bà già đã nghỉ hưu" sống bằng thu nhập cố định, cho biết bà đã tìm đến Celsius để cố gắng bổ sung vào khoản thu của mình hàng tháng khi lạm phát ở mức cao kỷ lục.

Savelle nói: “Tôi đã mua một lượng tiền điện tử nhỏ của mình với hy vọng kiếm đủ để giúp tôi vượt qua một vài năm, một loại mạng lưới an toàn. Vâng, tôi biết rằng trong mỗi quyết định người mua đều được cảnh báo rằng hãy cẩn thận, nhưng tôi đồng ý rằng đã có quá nhiều sự lừa dối ở đây".

Tệ hơn thế, có những người khác đã mất tất cả. Stephen Bralver từ bang California cho biết anh chỉ còn dưới 1.000 USD trong tài khoản - hiện là nguồn tiền duy nhất để cung cấp cho gia đình kể từ khi Celsius đình chỉ mọi hoạt động rút tiền. “Đây là một tình huống KHẨN CẤP, chỉ đơn giản là để giữ một mái nhà cho gia đình tôi và đồ ăn trên bàn của họ”, Bralver khẩn khoản.

Sean Moran ở Dublin đã viết trong thư gửi tòa rằng anh đã làm mất trang trại của gia đình ở Ireland và hiện cả nhà trở thành vô gia cư. “Tôi không ổn định về mặt tinh thần. Gia đình rất đau khổ với quyết định của tôi khi tin tưởng Celsius và hứa hẹn cho họ một tương lai tốt đẹp hơn”, Moran chia sẻ.

Ngoài sự tàn phá tài chính được mô tả trong mỗi bức thư này, một chủ đề lặp đi lặp lại xoay quanh cảm giác bị phản bội vì sự vi phạm lòng tin giữa Giám đốc điều hành của Celsius, Alex Mashinsky và khách hàng của công ty. Đã 3 tuần sau khi Celsius tạm dừng tất cả các khoản rút tiền do "điều kiện thị trường khắc nghiệt" - và một vài ngày trước khi người cho vay tiền điện tử cuối cùng nộp đơn xin bảo hộ phá sản - nền tảng này vẫn đang quảng cáo bằng văn bản in đậm trên trang web của mình, hứa hẹn mức lợi nhuận hàng năm gần 19%.

Một số người cho biết họ thậm chí đã từng tính đến chuyện tự tử nếu không thể lấy lại được tiền của mình. Cho đến nay, thông tin về việc hoàn lại các khoản đầu tư từ Celsius vẫn còn rất mơ hồ.

Thu Phương