|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hậu COVID-19, người Việt 'chăm' quẹt thẻ, chạm điện thoại hơn

07:49 | 23/05/2020
Chia sẻ
Thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là thanh toán không tiếp xúc, dần trở thành thói quen của khá nhiều người tiêu dùng Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

Với tối đa 500.000 đồng trong ví tiền, chị Ngọc Hà (24 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) hầu như có thể thanh toán mọi sản phẩm, dịch vụ từ ăn uống, đi lại cho đến chi phí sinh hoạt, điện, nước bằng thẻ ghi nợ và tín dụng.

"Tiền mặt có sẵn chỉ để gửi xe hoặc ăn vỉa hè, nhưng cũng không nhiều. Tôi nghĩ như vậy sẽ thuận tiện và an toàn hơn trong bối cảnh Covid-19 này. Tôi cũng thường xuyên được khuyến mãi và hoàn tiền khi trả qua thẻ", chị Ngọc Hà chia sẻ.

Thực tế, dữ liệu từ Moca cho thấy 43% giao dịch trên ứng dụng Grab được thanh toán không tiền mặt. Riêng với tính năng GrabMart, tỷ lệ này lên đến 70%. Đặc biệt, số người lần đầu thanh toán không tiền mặt trên ứng dụng vào tháng 3 tăng 22,5% so với cùng kỳ trước đó.

Trong khi đó, sàn thương mại điện tử Shopee cũng ghi nhận lượng giao dịch không tiền mặt nhiều hơn trong những tháng gần đây, điển hình là thông qua ví điện tử Airpay.

Hậu COVID-19, người Việt 'chăm' quẹt thẻ, chạm điện thoại hơn - Ảnh 1.

Thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là thanh toán không tiếp xúc, ngày càng được quan tâm sau Covid-19. Ảnh minh họa.

Lý giải về xu hướng này, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho rằng người dùng ngày càng ưu tiên sự nhanh chóng và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là sau giai đoạn Covid-19 vừa qua.

“Năm 2020 đã thay đổi cách sống, cách chúng ta làm việc và mua sắm trực tuyến. Các thương hiệu và nhà bán hàng trong khu vực hiện cũng đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong mọi hoạt động", ông nhận định.

Trước đó, số liệu từ mạng lưới xử lý thanh toán VisaNet của Visa cho biết, năm 2019, tổng số giao dịch của người Việt Nam bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ Visa tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị giao dịch cũng tăng 39%.

Trong đó, 37% người tiêu dùng lựa chọn phương thức thanh toán không tiếp xúc, tức chỉ cần chạm thẻ, điện thoại hoặc các thiết bị đeo vào máy thanh toán POS để thực hiện thanh toán. 85% trong số này thanh toán mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn.

Đánh giá tiềm năng sẽ còn lớn hơn hậu Covid-19, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết doanh nghiệp này đã tăng cường trang bị thiết bị thanh toán mPOS trên 64 tỉnh, thành phố, mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing của Saigon Co.op, thực tế cho thấy khi chương trình khuyến mãi ngừng thì người tiêu dùng lại quay về sử dụng tiền mặt. Trước đó, với các chương trình hoàn tiền, giảm giá cho đơn hàng thanh toán qua thẻ, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt có thời điểm chiếm đến 10% doanh số.

Vừa qua, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết chậm nhất đến tháng 6 sẽ triển khai dịch vụ chuyển tiền và thanh toán qua tài khoản viễn thông di động (Mobile Money).

Đây được kỳ vọng là cú hích cho thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam trong bối cảnh tỷ lệ dân số có tài khoản ngân hàng chỉ đạt 50%. Dịch vụ hướng tới nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng, mang tới một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch.

Lan Anh