|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hậu COVID-19, đa số người Việt chuộng thương hiệu nội, quan tâm chất lượng hơn lòng trung thành

12:30 | 19/05/2020
Chia sẻ
Số liệu của Nielsen cho thấy 17% người tiêu dùng Việt chỉ sử dụng sản phẩm nội và 58% đa phần sử dụng sản phẩm nội ở thời điểm hậu COVID-19.

Tính tới sáng 19/5, Việt Nam đã trải qua hơn 1 tháng không xuất hiện ca bệnh mới trong cộng đồng. Có thể thấy tình hình dịch bệnh đã tương đối ổn định. Do đó, việc các doanh nghiệp quan tâm có lẽ là hành vi người tiêu dùng ở thời điểm hậu COVID-19.

Bà Hà Đặng, giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen, nói rằng hành vi mua sắm của khách hàng trong mùa dịch COVID-19 gồm 4 nhóm mục đích chính: Mua sắm các sản phẩm nhằm tăng sức đề kháng (vitamin, rau củ quả), các sản phẩm phòng ngừa (nước rửa tay, khẩu trang), các sản phẩm có thể dự trữ (thực phẩm khô), các sản phẩm, dịch vụ ngăn chặn dịch bệnh (các dịch vụ hỗ trợ làm việc từ xa).

Hậu COVID-19, người Việt ưa sử dụng thương hiệu nội, quan tâm chất lượng hơn 'lòng trung thành' - Ảnh 1.

Thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong thời gian dịch bệnh chia làm 4 nhóm mục đích chính. Ảnh: Nielsen.

Căn cứ vào nhóm mục đích mua sắm của khách hàng, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/dịch vụ có thể tìm ra giải pháp để thực hiện hoạt động truyền thông, marketing tới người tiêu dùng một cách tốt nhất.

Dẫn chứng tình hình dịch bệnh SARS trước đây hay thảm họa Fukushima của Nhật Bản, bà Hà khẳng định thói quen của khách hàng sẽ dần quay trở lại như bình thường sau thời điểm khủng hoảng.

Mặc dù vậy, một trong những điểm giống nhau về thói quen mua sắm của người dân thế giới trong và sau đại dịch là niềm tin với các sản phẩm trong nước. Theo thống kê của Nielsen, 11% người tiêu dùng chỉ dùng sản phẩm quốc nội, trong khi 54% số họ sử dụng sản phẩm trong nước.

Ở Việt Nam, tỉ lệ này thậm chí còn ấn tượng hơn khi 17% người tiêu dùng chỉ sử dụng hàng Việt, 58% chủ yếu sử dụng sản phẩm nội.

"Đây là một cơ hội lớn cho các thương hiệu nội địa, cho các thương hiệu nước ngoài sản xuất ở trong nước", bà Hà Đặng nói.

Mặc dù có thống kê ấn tượng, nhưng chất lượng vẫn là một trong những yếu tố quyết định hàng đầu khi người dân mua hàng, thay vì "lòng trung thành" với thương hiệu quen thuộc. Theo nghiên cứu của Nielsen, 40% người tiêu dùng sẵn sàng mua sắm sản phẩm của thương hiệu mới nếu sản phẩm đem lại giá trị mới, gia tăng. 

Hậu COVID-19, người Việt ưa sử dụng thương hiệu nội, quan tâm chất lượng hơn 'lòng trung thành' - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp cần chuyển đối số để thích ứng với sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng hậu COVID-19. Ảnh: Nielsen

Dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen mua sắm của rất nhiều người. Và có thể trong giai đoạn hậu dịch bệnh, những thói quen đó vẫn sẽ tiếp tục. Với nhóm các dịch vụ, sản phẩm hỗ trợ mua bán trực tuyến, sự tiện lợi sẽ khiến người tiêu dùng gắn bó với sản phẩm thay vì việc quay trở lại mua sắm theo các kênh truyền thống.

Đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội với đặc thù các hàng quán phải đóng cửa, hầu hết giao dịch diễn ra thông qua việc giao hàng qua các ứng dụng. 64% người tiêu dùng cho biết, họ sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến hậu dịch. Trong khi đó, 63% người tiêu dùng tiếp tục mua sắm trực tuyến nhiều hơn.

Tốc độ giao hàng sẽ là yếu tố quyết định với các hãng giao đồ ăn và sàn thương mại điện tử.

"Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần nhìn lại việc đầu tư vào các kênh bán hàng số, đa dạng hóa các kênh tiếp cận người tiêu dùng, đặc biệt là thời kì hậu COVID-19", bà Hà kết luận.

Tiểu Phượng

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.