|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vay tiền trực tuyến bùng nổ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng cảnh báo

12:03 | 27/04/2020
Chia sẻ
Sau khi nhiều người dân phản ánh về hoạt động bất thường của nhiều ứng dụng cho vay trực tuyến, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã công bố những dấu hiệu để mọi người nhận diện những ứng dụng bất minh.

Sự bùng nổ của các ứng dụng vay tiền trực tuyến

Vài năm gần đây, các hoạt động kinh tế số đã tăng trưởng nhanh chóng và được Chính phủ quan tâm, ưu tiên phát triển. Theo Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, tới năm 2025 là nền kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP.

Với việc chính phủ ưu tiên phát triển kinh tế số, cộng với nền tảng 64 triệu người sử dụng internet, 57% dân số sở hữu tài khoản mạng xã hội (thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trực thuộc Bộ Công thương), các dịch vụ số dần trở nên phổ biến.

Một trong những dịch vụ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng là hỗ trợ tài chính. Gần đây, dịch vụ hỗ trợ tài chính đã "số hóa" bằng những ứng dụng di động thay vì việc chỉ kinh doanh offline như trước đây.

Trên kho ứng dụng Apple Store hay CH Play, người dân có thể thấy hàng loạt ứng dụng cho vay online. Thậm chí họ có thể xếp những ứng dụng này vào nhóm "hot" vì hầu hết chúng đều có hàng trăm nghìn tới hàng triệu lượt tải xuống.

Vay tiền trực tuyến bùng nổ, cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo nguy cơ - Ảnh 1.

Hàng loạt ứng dụng cho vay trực tuyến có số lượt tải từ hàng trăm nghìn tới hàng triệu. Ảnh: Tiểu Phượng.

Một ứng dụng với hơn 1 triệu lượt tải trên CH Play khẳng định khách hàng có thể nhận tiền chỉ sau 30 phút thẩm định mà không cần phải gặp trực tiếp.

Khi người dùng cài đặt ứng dụng, một bản hợp đồng điện tử xuất hiện, ghi rõ phía cung cấp khoản vay sẽ thu thấp thông tin khách hàng, bao gồm tên, số chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, thông tin liên hệ, địa chỉ công ty...

Thậm chí ứng dụng còn ghi các thông tin như phiên bản điện thoại, lịch sử cuộc gọi, tin nhắn và vị trí. Chính vì chấp nhận cho chủ ứng dụng truy cập vào danh bạ, phía cho vay có thể nắm thông tin liên lạc (số điện thoại của người thân).

Chị Thắm, một người sử dụng dịch vụ vay tiền trực tuyến, kể rằng chị vay 1,5 triệu đồng nhưng do tính chất công việc, chị cũng vay nhiều nguồn khác nên quên việc hoàn tiền đúng hạn. 

"Tôi thấy nhiều dịch vụ nhắc nhở khách vay khi tới hạn, nhưng khi vay qua ứng dụng thì không ai nhắc và số tiền cả gốc lẫn lãi sau vài tháng đã lên đến 7 triệu đồng", chị Thắm chia sẻ.

Anh Hiến, một khách hàng khác của ứng dụng vay tiền trực tuyến, cũng gặp câu chuyện tương tự. Vay 1,5 triệu đồng nhưng số tiền anh nhận về chỉ là 1,2 triệu đồng (sau khi đã trừ các chi phí phát sinh). Sau 7 ngày, ứng dụng thông báo cả gốc lẫn lãi lên đến 1,7 triệu đồng.

Dịch bệnh COVID-19 đang càn quét nền kinh tế và ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người. Trong khi đó, việc tiếp cận đến những khoản vay ưu đãi (về cả lãi suất và chính sách) là một khó khăn đối với cá nhân người tiêu dùng. Chính vì thế, nhiều người nảy sinh ra việc dùng ứng dụng di động để vay tiền.

Dù vậy, để tận hưởng sự tiện lợi của ứng dụng, người vay phải một mức lãi suất cắt cổ cùng với những chi phí dịch vụ bất thường. Trong trường hợp người vay tiền không thanh toán kịp hạn, ứng dụng có thể dùng thông tin khách hàng cung cấp để quấy rối. Nếu khách hàng vẫn không "xoay" kịp tiền, họ lại tiếp tục phải vay tiền qua một ứng dụng khác và vòng xoáy cứ thế tiếp tục.

"Lãi quá cao, thời hạn trả quá ngắn, chưa tới hạn trả đã gọi điện đe dọa, làm phiền gia đình. Nhân viên nhắn tin thể hiện thái độ giống người vô học", chị Nhung, một khách hàng khác cho biết.

Cơ quan chức năng nói gì?

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công thương đã cảnh báo người tiêu dùng về việc vay tiền trực tuyến. Bộ đã liệt kê các dấu hiệu của một tổ chức, cá nhân mà người tiêu dùng không nên vay tiền trực tuyến.

Đầu tiên, nhóm tổ chức, cá nhân không có thông tin giới thiệu rõ ràng, không xác định rõ dịch vụ cung cấp là cho vay, tư vấn hay kết nối. Ngoài ra, các tổ chức không rõ thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, hoặc có nhưng địa chỉ, thông tin liên hệ ở nước ngoài.

Vay tiền trực tuyến bùng nổ, cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo nguy cơ - Ảnh 2.

Bộ Công thương cảnh báo về nhóm tổ chức, cá nhân mà người tiêu dùng không nên vay tiền trực tuyến. Ảnh: Pinterest.

Những công ty không công khai các chính sách thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng, các chính sách phụ phí, biểu phí, phí phát sinh hoặc không gửi trước mẫu hợp đồng điện tử, không gửi lại mẫu hợp đồng đã kí kết cho khách hàng lưu trữ, cũng là những công ty người tiêu dùng không nên sử dụng dịch vụ.

"Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, trường hợp gặp khó khăn về tài chính, không thể đảm bảo khả năng trả nợ, người tiêu dùng nên chủ động gửi văn bản hoặc email tới tổ chức, cá nhân liên quan để đề xuất giải pháp hỗ trợ xử lý giãn nợ, tránh tình trạng để trả quá hạn dài ngày, phát sinh các khoản tiền phạt và các trách nhiệm pháp lý liên quan", Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh.


Tiểu Phượng