|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuyện ngược đời giữa thời COVID-19: Chủ doanh nghiệp vay tiền người làm thuê để tồn tại

16:34 | 30/03/2020
Chia sẻ
Cạn tiền bởi dịch COVID-19, các chủ doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc đang cố gắng vay tiền từ bạn bè, người thân để trả tiền thuê mặt bằng, lãi ngân hàng và lương của người lao động.

Là một nhân viên văn phòng với mức lương ổn định ở tỉnh Quảng Đông, Lý Huệ cảm thấy sốc khi hai người bạn gọi điện thoại để cầu khẩn cô cho họ vay tiền để trả lương cho nhân viên và thanh toán tiền thuê mặt bằng.

"Quả thực, tôi không phải là nhà đầu tư hay người quản lí doanh nghiệp. Tôi đã biết cả hai doanh nhân đó trong hơn một thập kỉ và đây là lần đầu tiên họ nhờ vả tôi. Vì thế, tôi nghĩ nguồn tiền của họ đã cạn", Lý Huệ nói với South China Morning Post.

Doanh nghiệp nhỏ, vừa đang cạn tiền

Câu chuyện của Lý Huệ cho thấy một khía cạnh đáng lo ngại trong cuộc chiến sinh tồn của giới kinh doanh trong mùa dịch COVID-19, khi hàng loạt doanh nghiệp nhỏ đang cạn tiền mặt.

Thu nhập của họ đã giảm mạnh hay thậm chí biến mất hoàn toàn từ khi lệnh phong tỏa trên toàn lãnh thổ Trung Quốc bắt đầu từ cuối tháng 1 để ngăn sự lây lan của virus, trong khi họ vẫn phải thanh toán chi phí vận hành và trả nợ.

"Mỗi tháng, tôi phải trả khoản lãi 16.000 nhân dân tệ (2.255 USD) cho khoản vay 2 triệu nhân daanteej (282.000 USD) từ các ngân hàng địa phương, cũng như tối thiểu 100.000 nhân dân tệ (14.000 USD) tiền thuê văn phòng và lương cho nhân viên. Nhưng hoạt động kinh doanh của tôi đình đốn hoàn toàn với mức thu nhập bằng không trong năm nay", Đồng Minh, giám đốc một công ty lữ hành với 15 nhân sự, thổ lộ. 

Công ty của Đồng Minh có hai văn phòng ở thành phố Hàng Châu và Ninh Ba thuộc tỉnh Chiết Giang.

China’s small businesses increasingly desperate to raise cash to stay afloat - Ảnh 1.

Chưa tới 10% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung Quốc có thể tồn tại tới 6 tháng nếu dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng. Ảnh: China Daily

Đồng Minh nói thêm rằng, tất cả những doanh nhân mà anh biết, dù hoạt động trong mảng dịch vụ hay sản xuất, đều đang nợ. Nhiều doanh nhân, bao gồm cả anh, buộc phải tận dụng tối đa thẻ tín dụng hay thậm chí bắt đầu bán tài sản, xe hơi để duy trì hoạt động kinh doanh.

85% doanh nghiệp nhỏ, vừa có thể phá sản trong 3 tháng tới

Một cuộc khảo sát 995 doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) hồi tháng 2 do Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa thực hiện cho thấy, hơn 85% SME có thể phá sản trong vòng 3 tháng nếu họ không được hỗ trợ tài chính.

Những doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ, công nghệ, sản xuất tham gia cuộc khảo sát thuê từ 50 công nhân trở xuống và từng có mức doanh thu trung bình hàng năm dưới 50 triệu nhân dân tệ (7 triệu USD). 

Dưới 10% số doanh nghiệp nói họ có thể tồn tại trong 6 tháng nếu không có doanh thu. Hơn 38% doanh nghiệp xác nhận họ sẽ phải sa thải nhân sự hoặc ngừng hoạt động.

Tình trạng dòng tiền âm đối với SME có thể tồi tệ hơn nếu sự lây lan nhanh của COVID-19 khiến nhu cầu giảm mạnh trên phạm vi thế giới.

Ảnh hưởng từ sự lây lan khắp toàn cầu của COVID-19 có thể khiến giới SME ở Trung Quốc chịu áp lực tài chính lớn hơn trong vài tháng tới.

"Hồi tuần trước, một trong những khách hàng lớn của chúng tôi từ châu Âu đã chính thức thông báo ông ấy hủy mọi hợp đồng do dịch bùng phát mạnh ở châu Â. Tôi hải báo gấp cho nhà cung cấp để họ tạm ngừng sản xuất", Zheng Bo, một nhà sản xuất mũ bảo hộ thông minh ở Thâm Quyến, kể.

Chủ một doanh nghiệp xuất khẩu vòng bi ô tô ở tỉnh Chiết Giang kể rằng anh không thể liên lạc với một khách hàng ở Nga, người đã đặt cọc để nhận hàng, sau khi đồng ruble giảm giá khoảng 30% so với USD trong hai tháng qua.

"Công ty của tôi mắc kẹt. Chúng tôi không có đơn hàng mới, và nếu có, chúng tôi cũng chẳng có tiền để mua nguyên liệu", người chủ doanh nghiệp nói.

Sự thờ ơ của các ngân hàng thương mại

Ngay cả khi nhận chỉ thị cho SME vay vốn, với hàng tỉ nhân dân tệ từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, các ngân hàng thương mại địa phương vẫn tỏ ra không mặn mà với việc cho những doanh nghiệp đang khó khăn vay vốn.

Trong số những doanh nghiệp SME tham gia khảo sát của Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, khoảng 10% thừa nhận họ phải vay tiền từ các tổ chức tín dụng đen bởi vay tiền của ngân hàng là việc cực khó.

"Ngoài những khoản vay ngân hàng, tôi còn nợ hơn 1 triệu nhân dân tệ đối với các đối tác phân phối và khách hàng", Liang Lu, người điều hành một công ty tư vấn ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, nói. Công ty của Liang giúp các nhà sản xuất quảng bá sản phẩm của họ.

Giới ngân hàng thương mại tránh những SME vì mối lo về tài sản thế chấp, và SME cũng không nhận sự hỗ trợ của chính phủ như doanh nghiệp nhà nước.

"Thực lòng mà nói, chúng tôi đều hiểu rủi ro của việc cho SME vay rất cao và rủi ro ấy sẽ cao hơn trong thời kì khủng hoảng", trưởng phòng tín dụng của chi nhánh một ngân hàng tư nhân ở thành phố Quảng Châu, thổ lộ.

Cửu Dương