|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hạt tiêu của Campuchia được phép xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc, áp lực với Việt Nam sẽ gia tăng?

10:11 | 24/05/2023
Chia sẻ
Việc có thêm đối thủ là Campuchia khiến một số ý kiến tỏ ra lo ngại rằng áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng đối với mặt hàng tiêu Việt Nam tại Trung Quốc.

Hạt tiêu là gia vị đầu tiên của Campuchia được phép xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc

Hạt tiêu Campuchia là loại gia vị đầu tiên của quốc gia này được phép xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc. 

Hôm 12/5, đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh đã thông báo Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) đã ban hành danh sách các công ty và cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của nước này. 

“Điều này có nghĩa là hạt tiêu của Campuchia đã hoàn tất các thủ tục theo quy định và có thể xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc”. Đại sứ quán cho biết 28 đồn điền hồ tiêu và 7 nhà máy đóng gói đã được GAC đăng ký và cấp phép.

GAC và Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia đã kiểm tra một số đồn điền và nhà máy đóng gói hạt tiêu vào ngày 10-11 tháng 4 để đảm bảo họ đáp ứng các điều kiện cần thiết.

Người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, bà Im Rachna cho biết, việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho hạt tiêu Campuchia đánh dấu một thành công mới của ngành nông nghiệp nói chung và ngành hồ tiêu nói riêng.

“Xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường châu Âu đã có từ lâu, đặc biệt là hạt tiêu Kampot rất được ưa chuộng ở đó. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng nhu cầu của Trung Quốc cũng sẽ tăng nhanh”, bà nói thêm.

Bà giải thích: “Miễn là Campuchia tuân thủ các nguyên tắc thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) do Trung Quốc đặt ra, chúng tôi không chỉ có thể xuất khẩu hạt tiêu Kampot mà còn xuất khẩu hạt tiêu từ khắp đất nước”.

Theo trang Khmer Times, thời gian cụ thể cho đợt xuất khẩu đầu tiên từ Campuchia chưa được đại sứ quán nêu cụ thể. 

Campuchia có khoảng 6.000 ha dành riêng cho trồng tiêu, với sản lượng trung bình hàng năm từ 20.000 đến 30.000 tấn, theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản.

Liên đoàn Hạt tiêu và Gia vị Campuchia cho biết giá tiêu hiện nay ở mức 3.000-3.500 USD/tấn. Campuchia xuất khẩu cả hạt tiêu có Chỉ dẫn Địa lý (GI) từ Kampot và hạt tiêu không có GI, bao gồm hạt tiêu hỗn hợp, hạt tiêu thực hành nông nghiệp tốt và hạt tiêu hữu cơ. Hạt tiêu GI chủ yếu được xuất khẩu sang EU.

Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến hạt tiêu Kampot ông Ngnoun Lay hy vọng hạt tiêu của hiệp hội, một trong hai sản phẩm duy nhất của Campuchia được đăng ký GI tại Liên minh châu Âu, sẽ được tiếp cận thị trường Trung Quốc. Ông Lay cho biết: “Khi hiệp hội đang tìm cách mở rộng thị trường của mình, động thái này sẽ mang lại hy vọng không chỉ cho hạt tiêu thông thường mà còn cho hạt tiêu GI tiếp cận thị trường Trung Quốc”.

Trả lời Tân Hoa Xã, Thứ trưởng kiêm phát ngôn viên Bộ Thương mại Campuchia Penn Sovicheat cho biết: “Chúng tôi hy vọng nhiều nông sản tiềm năng của Campuchia như sầu riêng và tổ yến sẽ có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới”.

Áp lực cạnh tranh của hạt tiêu Việt Nam tại Trung Quốc sẽ tăng lên?

Với hồ tiêu Việt Nam, Trung Quốc đang là thị trường “cứu thua” trong bối cảnh xuất khẩu sang các quốc gia lớn khác đều suy giảm mạnh “hai chữ số”. Số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam (VPSA) cho thấy, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay với khối lượng đạt 35.914 tấn, tăng hơn 15 lần (1.430%) so với cùng kỳ và vượt xa con số 20.498 tấn mà Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm ngoái.

Do đó, việc có thêm đối thủ là Campuchia khiến một số ý kiến tỏ ra lo ngại rằng áp lực cạnh tranh sẽ tăng lên. 

Tuy nhiên, trao đổi với người viết ông Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng VPSA cho biết việc Campuchia được xuất khẩu tiêu trực tiếp sang Trung Quốc là điều đáng lo ngại vì khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc không nhiều. 

“Hiện tại 90 - 95% lượng tiêu của Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam, sau đó tái xuất sang các nước, trong đó có Trung Quốc. Lượng tiêu được phép xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc không nhiều, nếu có chủ yếu xuất theo công lệnh 248, 249. Thực ra công ty thương mại của Campuchia không nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI”, ông Việt Anh cho biết. 

 Số liệu:Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia (H.Mĩ tổng hợp)

Theo số liệu của VPSA, Campuchia là quốc gia xuất khẩu tiêu sang Việt Nam lớn thứ hai, sau Brazil.  Trong 4 tháng đầu năm nay, quốc gia này xuất khẩu 1.715 tấn tiêu sang Việt Nam giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ông Việt Anh cho biết đây là chỉ là con số chính ngạch. Còn con số tiểu ngạch chưa được thống kê có thể lên đến vài nghìn tấn. 

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, thị phần tiêu của Việt Nam trong quý I tại Trung Quốc là 30% với 472 tấn, sau Indonesia là 60% với 954 tấn. Tuy nhiên, đây là con số chính ngạch. Còn theo dữ liệu của VPSA bao gồm cả chính ngạch và tiểu ngạch, khối lượng cao hơn nhiều lần so với Hải quan Trung Quốc, với gần 26.000 tấn. 

H.Mĩ