[Báo cáo] Thị trường hồ tiêu quý I/2023: Hồ tiêu chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng giá mới?
Số liệu từ các nước sản xuất hàng đầu cho thấy thương mại hồ tiêu đang có dấu hiệu phục hồi tại hai quốc gia sản xuất hàng đầu là Việt Nam và Brazil, nhưng tiếp tục giảm tại Indonesia và Ấn Độ. Bên cạnh đó, nhu cầu từ Trung Quốc và các nước Ả Rập tăng mạnh đang bù đắp cho sự sụt giảm của Mỹ và châu Âu.
Với Việt Nam, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trongquý I/2023, xuất khẩu tiêu của Việt Nam đạt 76.193 tấn, trị giá 233,4 triệu USD, tăng 43,4% về lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu hồ tiêu trong quý I đạt 3.064 USD/tấn, giảm 34,3% so với cùng kỳ.
Khối lượng hồ tiêu xuất khẩu tăng mạnh trong quý I năm nay chủ yếu là do Trung Quốc tăng cường mua bù cho lượng hàng thiếu hụt sau 3 năm đóng cửa vì COVID-19.
Theo số liệu của VPSA, tính đến hết quý I năm nay lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt 25.919 tấn, tăng đột biến hơn 12 lần so với 2.138 tấn của cùng kỳ và vượt xa con số 20.498 tấn mà Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm ngoái. Với kết quả này, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của nước ta trong quý I với tỷ trọng chiếm 33,8% so với 3,9% của cùng kỳ.
Trái ngược với thị trường Trung Quốc, theo số liệu của Tổng cục Hải quan xuất khẩu tiêu sang một số thị trường chính khác lại sụt giảm trong quý I năm nay so với cùng kỳ như: Mỹ giảm 21,6%, Đức giảm 49,3%, Hà Lan giảm 46%, Ấn Độ giảm 20,7%...
Mặc dù vậy, một số thị trường khác ghi nhận xuất khẩu tăng mạnh 2 – 3 lần như Thổ Nhĩ Kỳ (+258,5%), Ai Cập (+258,5%), Senegal (+108,2%), Nga (+111,5%)…
Tại trong nước, giá tiêu đen sau khi tăng mạnh 15% (8.000 – 8.500 đồng/kg) trong tháng 2 đã chững lại và chủ yếu đi ngang ở mức 63.000 – 66.000 đồng/kg trong tháng 3. Mức giá này cũng thấp hơn 14.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu phục hồi từ thị trường Trung Quốc đã giúp giá tiêu đi lên nhưng vụ thu hoạch bước vào giai đoạn cao điểm trong tháng 3 đã kìm hãm đà tăng này.
Nhận định về thị trường, các chuyên gia cho rằng nếu thị trường Trung Quốc tiếp tục mua mạnh như quý I vừa qua, khả năng giá tiêu sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Đặc biệt là khi sản lượng vụ sau có thể giảm do người dân chuyển sang trồng chanh dây và sầu riêng cho thu nhập cao hơn.
Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), chu kỳ biến động của giá tiêu mất khoảng 7 - 10 năm. Chu kỳ giảm giá của cây tiêu Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2016 đến nay là 7 năm và sẽ sớm có sự điều chỉnh lên trở lại
Đồng thời VPSA cho biết năm nay thu hoạch tiêu diễn ra chậm hơn mọi năm. Nguyên nhân là giá nhân công thu hái tăng cao nên các hộ tự hái, thu hoạch đến đâu, bán đến đó, chưa kể bà con mất thêm thời gian phơi sấy nên tốc độ hàng ra thị trường “nhỏ giọt”.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam dự báo sản lượng tiêu của nước ta năm 2023 tăng khoảng 7-10% so với 2022 lên khoảng 200.000 tấn.
Mặc dù vậy, theo ghi nhận diện tích hồ tiêu tại một số địa phương đang có chiều hướng thu hẹp do người dân chuyển sang các cây trồng khác cho thu nhập cao hơn.
Đơn cử như tại Bình Phước, số liệu của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, tính đến tháng 3 năm nay diện tích cây hồ tiêu của tỉnh đã giảm 10,3% (tương ứng giảm 1.550 ha) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 13.550 ha. Sản lượng thu hoạch trong 3 tháng đầu năm ước đạt 18.695 tấn, giảm 2.193 tấn so với cùng kỳ.
Trong khi đó, một số loại cây ăn trái của tỉnh có diện tích tăng cao so với cùng kỳ như: Cây chuối 1.582 ha, tăng 49,37% (+523 ha); Cây sầu riêng 5.264 ha, tăng 53,09% (+1.826 ha).
Năm ngoái diện tích cây hồ tiêu của tỉnh cũng giảm 1.144 ha so với năm 2021 xuống còn 13.857 ha; sản lượng ước đạt 26.492 tấn, giảm 1.284 tấn.
Xem chi tiết báo cáo thị trường hồ tiêu quý I/2023 tại đây: