|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành vi tiêu dùng của người Hàn Quốc thay đổi chóng mặt do virus corona

14:34 | 24/02/2020
Chia sẻ
Sự bùng phát mạnh của Covid-19 ở Hàn Quốc khiến người dân tăng hoạt động mua hàng trực tuyến, đồng thời các quán bar, rạp phim trở nên vắng khách hơn.

Khi số lượng bệnh nhân nhiễm virus corona tiếp tục tăng tới con số 556 hôm 23/2 ở Hàn Quốc, hành vi tiêu dùng của xã hội đã thay đổi ngoạn mục - từ giải trí tới ăn, uống.

Phần lớn người tiêu dùng đã đặt hàng trực tuyến thay vì tới cửa hàng hay siêu thị. Ngoài ra, nhu cầu đối với sản phẩm y tế và vệ sinh đang áp đảo hàng mĩ phẩm, thời trang. Dịch Covid-19 khiến số lượng người dân làm mọi việc ở nhà - từ ăn tới tập thể dục - tăng dần.

Dịch vụ giao hàng cho Coupang, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc, phải ngừng hoạt động vài hôm vì công ty hết sản phẩm để bán, theo Korea Times.

Những dịch vụ giao vận khác của Coupang cũng đang đối mặt với nguy cơ hoãn vì công ty không còn đủ nhân viên giao hàng để xử lý lượng đơn đặt hàng quá lớn. Công ty thông báo họ đã giao 3,3 triệu đơn hàng - một con số kỉ lục - chỉ trong ngày 28/1.

New coronavirus changes consumption pattern - Ảnh 1.

Người tiêu dùng xem hàng hóa trong một siêu thị thực phẩm ở Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times

Số lượng đơn hàng trực tuyến tăng vọt

SSG.com, bộ phận bán lẻ trực tuyến của chuỗi siêu thị E-Mart, cũng thấy số lượng đơn hàng trực tuyến tăng 20% khiến họ buộc phải ngừng dịch vụ giao hàng tới tận hôm 24/2. Công ty tiết lộ doanh số thực phẩm tăng thêm 98%, doanh số nước khoáng đóng chai tăng 96%, còn doanh số rau tăng 75%.

Doanh số thực phẩm của G Market từ ngày 21/1 tới 20/2 tăng 150%. Khi báo chí đưa tin về trường hợp tử vong đầu tiên ở Hàn Quốc vì Covid-19 hôm 20/2, doanh số mì ăn liền, thực phẩm đóng hộp và gạo nấu nhanh tăng lần lượt 80%, 72% và 654%.

Ngược lại, nhiều cửa hàng truyền thống phải đóng cửa tạm thời. Một số cửa hàng ngừng hoạt động tạm thời sau khi người nhiễm 2019-nCoV tới đó mua hàng.

Lotte Shopping sẽ triển khai một chợ trực tuyến mới bằng cách kết hợp mọi nền tảng thương mại điện tử với cái tên "Lotte On".

Homeplus tăng số lượng xe giao hàng thêm 15% để ứng phó mức tăng 125% đơn hàng trực tuyến.

Các kênh mua sắm qua truyền hình nhận thấy doanh số sản phẩm thời trang và mĩ phẩm giảm 31,6%, rời khỏi danh sách những loại sản phẩm bán chạy nhất, nhường chỗ cho các sản phẩm bảo vệ sức khỏe và vệ sinh.

Số đơn đặt hàng thực phẩm chức năng - như vitamin, nhân sâm, keo ong - đã tăng 137% trong Lotte Homeshopping. Doanh số thực phẩm chức năng trong các cửa hàng y tế và mĩ phẩm Lohb của Lotte Shopping từ 27/1 đến 11/2 cũng tăng vọt 579% so với cùng kì năm ngoái.

Số người tới quán bar và rạp phim cũng giảm mạnh

Sự lây lan của Covid-19 cũng thay đổi hành vi nhậu ở Hàn Quốc. Người dân bắt đầu uống rượu, bia tại nhà thay vì tới quán bar, khiến doanh số bán đồ uống có cồn ở các cửa hàng tiện lợi cùng các món nhậu tăng rõ rệt.

Doanh số rượu soju và bia tại chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 tăng 29,2% và 23,8% trong khoảng thời gian tf ngày 7 tới 13/2.

Tương tự, doanh số đồ ăn đông lạnh và sấy khô tăng tương ứng 39,1% và 26,5%.

Chuỗi GS25 thông báo sự gia tăng số lượng người độc thân cùng sự lây lan của Covid-19 đã khiến nhiều khách hàng không muốn tới nhà hàng hay bar để ăn, uống.

Số lượng người xem phim trong tháng trước ở Hàn Quốc cũng đạt mức thấp nhất từ năm 2013. Theo Hội đồng Phim Hàn Quốc, số lượng khán giản xem phim trong tháng 1 đạt 16,84 triệu lượt, giảm 7% so với tháng 1 năm ngoái.

Ngược lại, lượt xem những nền tảng xem phim trên thiết bị di động của KT, công ty viễn thông lớn thứ hai Hàn Quốc, tăng tới 20% trong tháng 1.

Cửu Dương