Hành trình từ nữ sinh chuyên Vật lý tới doanh nhân giải quyết lãng phí trong vận tải
Vốn là học sinh chuyên Vật lý của trường phổ thông chuyên thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Phạm Khánh Linh gây bất ngờ khi giành học bổng của Đại học Cambridge danh giá để học ngành Tâm lý. Tại Anh, cô cùng hai người bạn lập một ứng dụng (app) trên điện thoại để giúp người sử dụng nhận phiếu giảm giá của các cơ sở dịch vụ. Với ứng dụng của Linh, các cơ sở kinh doanh có thêm cơ hội tăng doanh thu, lấp bớt những chỗ trống trong những thời điểm vắng khách. Điểm đặc biệt là phiếu giảm giá chỉ tồn tại trên app trong khoảng thời gian nhất định nên người dùng phải ra quyết định trong thời gian ngắn.
Mô hình kinh doanh tốt nhưng khó nhân rộng
Ngay từ đầu Linh xác định đối tượng chủ yếu sử dụng app sẽ là sinh viên của trường Cambridge. Vì thế, cô thường xuyên vào các diễn đàn của sinh viên Đại học Cambridge để quảng bá app. Số lượng người tải app về máy tăng khá nhanh. Việc thuyết phục các cơ sở kinh doanh hợp tác với app cũng tương đối thuận lợi. Tình hình đó thôi thúc nhóm sáng lập mở rộng phạm vi hoạt động sang thành phố London.
Phạm Linh - cử nhân Tâm lý của Đại học Cambridge, người sáng lập công ty Logivan. Ảnh: Thanh Xuân |
Song khi tới London, thực tế không thuận lợi như Linh kỳ vọng. Các cơ sở kinh doanh ở đây không tỏ ra quan tâm tới ứng dụng của cô vì họ đang sử dụng những app khác để quảng bá phiếu giảm giá. Sinh viên ở London cũng không hào hứng như sinh viên ở Cambridge trong việc tải app của Linh về điên thoại.
Sau khoảng một năm rưỡi, chỉ số về người dùng, doanh thu của app đều giảm - dấu hiệu cho thấy ý tưởng của Linh không thể nhân rộng. Nhóm sáng lập cố gắng duy trì app thêm nửa năm nữa nhưng tình hình vẫn không khá hơn. Vì thế, họ quyết định xóa app và ngừng kinh doanh.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Cambridge, Linh làm các công việc tiếp thị, lập trình trước khi trở thành chuyên viên phân tích cho tập đoàn tài chính Goldman Sachs. Công việc thú vị, lương cao nên cô cảm thấy rất hài lòng. Nhưng rồi ý tưởng khởi nghiệp lại bùng lên khi cô thấy những xe tải chạy đường dài nhưng không chở hàng. Khi Linh hỏi những tài xế, họ nói xe chỉ chở hàng theo chiều đi, rồi trở về với thùng rỗng. Đột nhiên Linh nghĩ tới giải pháp lập ứng dụng để kết nối những người có nhu cầu chở hàng với các xe tải để các xe không phải chạy rỗng chuyến chiều về.
Nỗ lực "giết" ý tưởng khởi nghiệp
Rút kinh nghiệm từ thất bại đầu tiên, khi nảy ra ý tưởng, nữ cử nhân của trường Cambridge cố gắng tìm mọi lập luận để chứng minh ý tưởng không khả thi. Cô khảo sát ý kiến của các tài xế và những người có nhu cầu chở hàng. Cả hai đối tượng đều đánh giá cao ý tưởng, bởi nó giúp tài xế không phải chạy xe không chiều về, còn người có nhu cầu chở hàng sẽ có cơ hội giảm chi phí vận chuyển.
Linh gặp nhiều chuyên gia trong ngành vận tải để tham vấn và họ cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng của ý tưởng. Cô tìm hiểu những mô hình tương tự nhưng đã sụp đổ để xác định những nguyên nhân khiến họ thất bại. Cuối cùng, cô tìm hiểu thực tế trên thế giới và nhận thấy nhiều mô hình như thế đã thành công ở Brazil, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Tới lúc ấy, Linh mới cảm thấy cô có đủ căn cứ để khởi nghiệp lần thứ hai vào tháng 9/2017.
Xe tải rỗng chuyến một chiều là sự lãng phí rất lớn của nền kinh tế, đồng thời làm tăng lượng khí thải vào môi trường. |
Thực tế cho thấy ý tưởng của Linh có thể giải quyết một vấn đề lớn trong ngành vận tải hàng hóa. Một khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải cho thấy, khoảng 70% số chuyến xe chở hàng chỉ theo một chiều và “chạy rỗng” chiều ngược lại. Tình trạng "rỗng" một chiều khiến các chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ tăng thêm khoảng 30% so với giá trị thực.
Nhiều sàn giao dịch vận tải hàng hóa đường bộ, đường thủy trực tuyến đã hoạt động vài năm lại đang rơi vào cảnh đìu hiu.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết, sau hơn 2 năm hoạt động, Sàn giao dịch vận tải Việt Nam (VinaTrucking, chuyên về vận tải đường bộ) có hơn 1.000 thành viên, nhưng tính tới hết tháng 12/2017 mới có 239 chuyến hàng và hơn 1.000 chuyến xe đăng ký trên sàn. Hơn 600 giao dịch xuất hiện, nhưng chỉ 48 giao dịch vận tải thành công.
“Đây là con số quá ít ỏi so với hơn 56.000 doanh nghiệp vận tải trên cả nước”, bà Hiền nói với báo Giao thông.
Khởi nghiệp gian nan
Thuyết phục người có nhu cầu chở hàng đã khó, thuyết phục tài xế còn gian nan gấp bội. Đa số tài xế không có thói quen sử dụng các app trên điện thoại và cũng chằng hào hứng với việc chủ động truy cập app để tìm những người có nhu cầu vận chuyển hàng. Vì thế, trong thời gian đầu Linh và các cộng sự phải tới các bãi đỗ xe tải để ghi số điện thoại của các tài xế. Sau đó, mỗi khi gặp khách có nhu cầu, cô sẽ gọi điện thoại tới tài xế phù hợp để thông báo.
Không chỉ tới các bãi đỗ xe tải ở Hà Nội, nhóm của Logivan còn lên tận cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn, nơi hàng nghìn xe tải phải dừng hoặc di chuyển chậm để chờ thông quan. Tại đây, với cuốn sổ và điện thoại, họ tới từng xe tải để nói chuyện với tài xế.
"Rất nhiều tài xế tưởng chúng tôi là phóng viên, muốn lấy thông tin để viết bài nên họ không cung cấp số điện thoại và không muốn nói chuyện", Linh kể.
Ứng dụng của Logivan chính thức hoạt động từ tháng 1 năm nay. Hiện tại, Logivan liên kết với hơn 1.000 tài xế xe tải ở miền bắc và sẽ mở rộng mạng lưới vào miền nam trong thời gian tới. Doanh thu của công ty tăng nhanh sau từng tháng.
Quan điểm của Linh là người khởi nghiệp nên biết nhiều kỹ năng. Chẳng hạn, cô từng làm những công việc liên quan tới lập trình, tiếp thị, quản lý và cô thấy những công việc đó rất hữu ích đối với hành trình kinh doanh của cô. Nhưng nữ CEO không phải là người muốn khởi nghiệp bằng mọi giá. Với cô, làm thuê hay tự kinh doanh đều tốt nếu người lao động cảm thấy hạnh phúc với công việc. Cựu nữ sinh chuyên Vật lý khởi nghiệp vì đó là cách duy nhất để cô biến ý tưởng hữu ích với xã hội thành hiện thực, chứ không phải để kiếm một cái danh với đời.