Hành trình từ cử nhân kinh tế loại giỏi tới cô chủ vườn hoa nổi tiếng Hà Thành
Khởi nghiệp từ đam mê
Cô gái 9x Phạm Thiên Trang tốt nghiệp loại giỏi khoa Thương mại Quốc tế - Đại học Kinh tế Quốc dân. Vào năm thứ hai, nhận thấy bản thân không thể giao tiếp tiếng Anh thành thạo, Trang cùng bạn mở Trung tâm tiếng Anh và kỹ năng mềm tại Phố Vọng, Hà Nội để phục vụ bản thân và giới sinh viên. Năm đầu là khoảng thời gian khó khăn đối với hoạt động của trung tâm. Nhưng sau khi xây dựng được tập khách hàng, doanh thu và lợi nhuận bắt đầu tăng ổn định.
Tuy nhiên, khi sắp ra trường, Trang nảy ra ý định theo đuổi một thứ mà cô đam mê: Hoa hồng. Vốn chơi hoa từ nhỏ và tham gia một số hội chơi hoa, Trang nhận thấy nhiều người muốn yêu hoa nhưng không tìm được nguồn cung cấp uy tín, một nơi tư vấn để họ có thể hiểu hơn về giống và cách chọn loài hoa phù hợp với bản thân.
Phạm Thiên Trang, cử nhân loại giỏi của Đại học Kinh tế quốc dân, đang sở hữu vườn hoa hồng nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội. Ảnh: Bùi Mến |
5 triệu đồng là số vốn kinh doanh của Trang. Bởi vậy, ban đầu, cô hướng đến những dòng hoa phổ thông giá rẻ như dạ yến thảo, ngọc thảo, cúc. Sau một thời gian kinh doanh thân thảo, có thêm vốn, cô quyết định thuê một mảnh vườn chừng 150 m2 trong làng Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội để trồng hoa.
Nhận thấy hoa hồng có thị trường tiềm năng, đặc biệt rất nhiều giống hồng cổ tồn tại ở Việt Nam nhưng ít người biết đến chúng, Trang liền tới nhiều nơi - như Sa Pa - để tìm hiểu. Trong quá trình đó, cô cảm thấy mê mẩn trước các giống hoa này. Cô bắt đầu giới thiệu chúng với giới chơi hoa và được nhiều người quan tâm, thích thú.
"May mắn tôi cũng là một trong số ít những người đầu tiên có cơ hội tiếp xúc và nghiên cứu đầy đủ về các giống hồng cổ của Việt Nam, từ đó chia sẻ rộng rãi tới những người chơi hoa. Nguyện vọng của tôi là cùng những người chơi hoa chung tay bảo tồn các giống hồng cổ Việt Nam để không mai một dần", Trang nói.
Trang khẳng định hoa hồng là sản phẩm mà giới chơi hoa Việt Nam thích nhất. Cô tiếp tục tìm hiểu các giống hồng ngoại và thấy đây là một cơ hội lớn. Để tìm hiểu cặn kẽ hồng ngoại, cô nhập một số giống về trồng thử nghiệm. Sau một thời gian, cô thấy nhiều giống phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam, nên quyết định nhập về giới thiệu cho mọi người. Trang nhận định đó là hướng đúng nên tìm một mảnh đất rộng hơn để mở rộng quy mô trồng hoa.
Qúa trình khởi nghiệp của cô chủ vườn hồng VietGarden. Video: Bùi Mến
“Bố không muốn nhìn mặt tôi và luôn so sánh tôi với bạn bè”
Tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, gia đình muốn Trang về công ty sắt thép của anh trai để cùng phát triển kinh doanh. Hoặc không, bố mẹ mong cô tìm một công việc ổn định, lương cao ở công ty nước ngoài.
Nhưng, “làm thứ của riêng mình” là con đường cô gái này theo đuổi. Bởi vậy, Trang buộc phải giấu gia đình để khởi nghiệp với công việc “bán hoa”.
“Ban đầu, bố mẹ chỉ biết tôi bán hoa, bố tỏ ra bức xúc, gây áp lực cho con gái. Thậm chí, bố còn không muốn nhìn mặt tôi và luôn so sánh với công việc của bạn bè”, Trang nói.
Áp lực từ phía gia đình luôn là trở ngại lớn nhất của những cô gái muốn khởi nghiệp. Với niềm đam mê, hoài bão, Trang vẫn kiên định con đường mình chọn. Chỉ hơn một năm sau khi bắt đầu kinh doanh, Trang đưa gia đình tới thăm vườn hồng ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Lúc đó bố, mẹ cô rất ngạc nhiên và cảm thấy yên tâm hơn về con gái.
Nhiều khó khăn phát sinh trong quá trình kinh doanh
“Khó khăn đầu tiên là kiến thức về hoa hồng. Với hồng cổ, tôi có thể tìm hiểu từ người dân bản địa. Nhưng hồng ngoại, tôi lại phải mạo hiểm vì thời điểm đó ở Việt Nam chưa có nhiều người biết và hiểu về nó. Nếu trồng thử đúng giống hoa mà người chơi thích, tôi sẽ bán được sản phẩm. Nhưng không phù hợp thị hiếu của người chơi, tôi sẽ phải vứt chúng”, Trang nói.
Vườn hồng hơn 10.000 mét vuông của Phạm Thiên Trang. Ảnh: Bùi Mến. |
Theo Trang, nếu nhập cây đúng thời điểm thời tiết bất lợi, hoa sẽ hỏng. Vì vậy, kỹ thuật trồng, chăm sóc là một yếu tố quan trọng.
Với số vốn nhỏ, trong khi hoa cần đất, nên tìm được một khu đất vừa rộng vừa phù hợp với điều kiện kinh tế eo hẹp cũng là một thách thức.
Trang cho biết, vào tháng 7 năm 2016, khi bão ập tới, vườn hoa của cô thiệt hại nặng nề. Toàn bộ giàn lưới đổ sập, nhiều gốc hồng cổ thụ giá trị lớn cũng bị tàn phá. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất mà cô đối mặt trong quá trình kinh doanh.
Vận chuyển hoa cũng là vấn đề không đơn giản. Nếu vận chuyển cây to, Trang có thể thuê xe tải. Nhưng với cây nhỏ, sự phức tạp bắt đầu từ khâu đóng gói, vì chậu có thể vỡ. Sau đó, trong quá trình vận chuyển, cô phải thuê xe khách nên hiện tượng gãy thân, vỡ chậu có thể xảy ra.
“Hiện nay, công việc ổn định hơn. Doanh thu hàng tháng của vườn trên dưới một tỷ đồng. Vào những tuần đầu năm và cuối năm, doanh thu tăng cao hơn”, Trang cho biết.
Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của cô gái này không phải từ doanh thu hay lợi nhuận. Với cô, hạnh phúc là khi cô được sống cùng đam mê và truyền tình yêu hoa hồng tới mọi người.