Hành trình trở thành 'kì lân' tiếp theo ở Đông Nam Á của một hãng bảo hiểm trực tuyến
Ngành công nghệ tài chính (fintech) xuất hiện trong thập niên trước sau khi khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát vào năm 2008. Hồi ấy người dân trên khắp thế giới nhận ra họ không thể chỉ dựa vào ngân hàng truyền thống để đáp ứng các nhu cầu tài chính.
Ngày nay, khi ngành tài chính đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, các ngân hàng số và doanh nghiệp bảo hiểm số đang hỗ trợ các ngân hàng truyền thống. Singlife, một hãng bảo hiểm số đang hoạt động ở Hong Kong và Singapore, là một trong số đó.
Khi Singlife ra đời năm 2014, đây là công ty bảo hiểm duy nhất mà chính phủ Singapore cấp phép trong gần 50 năm.
Samantha Ghiotti, phó giám đốc điều hành Singlife, nói với báo The Drum rằng mục đích chính của công ty là giải quyết những thách thức cấp bách nhất mà khách hàng đối mặt khi quản lí tiền bằng cách kết hợp tiết kiệm, đầu tư và bảo hiểm trên một ứng dụng điện thoại, đồng thời tăng lợi ích dành cho khách hàng.
"Giải pháp ưu tiên di động của chúng tôi phục vụ những khách hàng hướng về một phong cách mang tính số hóa. Dù trẻ hay già, chúng tôi muốn mang tới một cách để tăng tiền tiết kiệm và hưởng thêm nhiều lợi ích từ tài khoản ngân hàng", cô phát biểu.
Gần đây, Singlife triển khai chức năng Singlife Account để giải quyết một số thách thức lớn nhất mà người tiêu dùng gặp khi quản lí và phát triển khoản tiết kiệm. Công ty tin rằng quản lí tiền không còn là việc dễ dàng như trước kia vì người tiêu dùng phải theo dõi nhiều tài khoản và mật khẩu tương ứng với các tài khoản ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư.
Bên cạnh đó, nhiều người biết họ nên đầu tư, song không biết bắt đầu từ đâu. Một số người đã đầu tư, song lại thấy khoản vốn của họ gần như nằm im hoặc không tạo ra khoản lãi tương xứng. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ buộc khách hàng để vốn trong tài khoản trong một khoảng thời gian nhất định, khiến họ không thể rút tiền ra khi họ cần.
Ngược lại, Singlife Account không qui định thời hạn giữ tài khoản và không thu phí rút tiền sớm.
"Singlife Account giúp khách hàng có trải nghiệm mang tính kết nối hơn, đồng thời quản lí, phát triển và bảo vệ tiền trực tiếp trên điện thoại", Samantha Ghiotti nói.
Để quảng bá thông điệp ấy, Singlife chỉ định Henry Golding, tài tử đã tỏa sáng với bộ phim "Crazy Rich Asian", làm đại sứ thương hiệu, và dựa vào hình ảnh của anh để phát động một chiến dịch để quảng bá Singlife Account.
Chiến dịch quảng cáo mô tả hành trình của Henry Golding từ một thợ cắt tóc tới người dẫn chương trình du lịch trước khi trở thành ngôi sao điện ảnh Hollywood. Singlife hi vọng câu chuyện về tham vọng của Henry Golding sẽ giúp mọi người hiểu lí do họ nên quản lí tiền một cách hợp lí.
Là một nền tảng số, Singlife sẵn sàng tương tác trực tiếp với khách hàng hoặc qua các ứng dụng nhắn tin. Công ty áp dụng chiến lược tiếp thị đa kênh - từ quảng cáo số, tìm kiếm thông tin, biển quảng cáo ngoài trời.
Doanh thu của Singlife trong năm 2019 đạt 171 triệu USD, tăng gần 3 lần so với mức doanh thu 54 triệu USD trong năm 2018.
Năm 2017, công ty huy động thành công 50 triệu USD trong vòng gọi vốn series A. Năm ngoái, Sumitomo Life đầu tư 90 triệu cho công ty, nâng tổng số vốn họ đã nhận lên 153 triệu USD.
Cùng với vốn, chi phí hoạt động của Singlife cũng tăng, gấp 4 lần từ 49 triệu USD năm 2018 lên 219 triệu USD năm 2019. Vì thế, trong năm 2018, công ty lãi 1 triệu USD, song họ lỗ tới 27 triệu USD trong năm 2019. Nhưng trong bối cảnh doanh thu của Singlife tăng mạnh, khoản lỗ 27 triệu không gây lo ngại cho các nhà đầu tư.
Giới phân tích định giá Singlife là 376 triệu USD dựa trên doanh thu năm ngoái của công ty. Tech In Asia nhận định rằng,nếu doanh thu của Singlife tiếp tục tằng gần 300% trong năm nay, có thể họ sẽ trở thành "kì lân" tiếp theo ở Đông Nam Á.