Hành trình khởi nghiệp 26 năm trên đất Lào của doanh nhân gốc Huế
Hiện nay, 70.000 người Việt và hơn 30.000 người gốc Việt đang sinh sống, làm ăn trên nước Lào. Phần lớn họ đều có đời sống tương đối ổn định. Từ công nhân, người buôn bán nhỏ lẻ, nhiều người khởi nghiệp, trở thành doanh nhân thành đạt sau thời gian dài chăm chỉ làm việc.
Nguyễn Văn Qúy Ngọc – Chủ tịch HĐQT Công ty AEC – sinh ra trên mảnh đất Huế. Cuộc sống nghèo khó khiến anh rời bỏ quê hương, một mình sang Lào kiếm việc làm vào năm 1992. Những khó khăn ban đầu như bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa nhanh chóng dần qua. Anh sớm ổn định cuộc sống, ấp ủ giấc mơ trở về của người con xa xứ.
Nguyễn Văn Qúy Ngọc – Chủ tịch HĐQT Công ty AEC - trong chương trình Đường đến thành công. |
Hành trình khởi nghiệp từ công nhân xây dựng
Bắt đầu từ công nhân xây dựng, Ngọc tích lũy kinh nghiệm, nhận thầu những công trình nhỏ. Sau 5 năm, tiết kiệm được một khoản vốn nên anh quyết định mở xưởng trang trí nội thất. Tư duy kinh doanh dần hoàn thiện qua thực tế, anh nhanh chóng biến xưởng nhỏ thành công ty lớn, chiếm lĩnh thị trường nội thất ở thủ đô Viêng Chăn.
Năm 2006, Qúy Ngọc mở nhà máy sản xuất đá tinh khiết cách thủ đô của Lào tầm 10 km. Với phương châm đảm bảo vệ sinh để giữ uy tín, xưởng đá cung cấp cho hầu hết nhà hàng, khách sạn lớn ở địa phương, một số khu vực lân cận.
Nhận thấy nhiều quán ăn Thái, Trung Quốc tại Lào thành công, chàng trai Việt nảy ra ý tưởng xây dựng nhà hàng quê hương trên đất nước sở tại. Năm 2008, Vietfood ra đời với vai trò sứ giả giới thiệu ẩm thực Việt.
Để phục vụ thực khách những món ăn thuần Việt nhất, Qúy Ngọc chỉ tuyển đầu bếp là người Việt. Thực phẩm, gia vị được chuyển từ Việt Nam sang. Do đó, nhà hàng nhận được sự yêu thích của thực khách địa phương, du khách quốc tế.
Ngoài ra, Vietfood còn tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, tái hiện hình ảnh Việt Nam. Đây là cách anh vừa quảng bá văn hóa vừa vơi bớt nỗi nhớ quê hương. “Tôi có cái tôi quê hương rất lớn, luôn thấy hãnh diện, tự hào về đất nước. Lấy tên Vietfood, tôi gửi gắm vào đó thương hiệu quốc gia để nếu tôi thất bại thì một người khác giỏi hơn sẽ thay thế, tiếp tục phát triển nhà hàng”, Ngọc thổ lộ.
Nhà hàng Vietfood tại Lào của Nguyễn Văn Qúy Ngọc. |
Từng vất vả tự học tiếng Lào, Qúy Ngọc hiểu khó khăn tìm lớp dạy tiếng cho người Việt tại đây. Anh cùng bạn bè mở trung tâm đào tạo ngôn ngữ Lào, giúp đồng hương tự tin, hòa nhập cuộc sống trên xứ người. Lớp học tuy nhỏ nhưng là cơ sở đầu tiên để người Việt tiếp xúc với quốc gia sở tại. Không chỉ dạy tiếng, trung tâm còn giới thiệu việc làm phù hợp cho học viên. Một số người vào làm tại nhà hàng Vietfood, còn lại được Ngọc giới thiệu công việc phù hợp.
23 năm xa xứ, Qúy Ngọc cảm thấy bản thân trưởng thành, tích lũy vốn, kiến thức và mối quan hệ nhất định. Anh trở về Huế để thực hiện hoài bão tô đẹp cho mảnh đất quê hương. Tận dụng mạng lưới bạn bè ở nhiều quốc gia Việt Nam - Thái Lan – Lào – Campuchia, anh kết nối, mời họ đầu tư vào Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Năm 2015, công ty AEC do Ngọc điều hành giúp tỉnh mở chuyến bay quốc tế đầu tiên nơi đây là Huế - Bangkok. Từ đó, anh góp phần thúc đẩy du lịch và thu hút nhiều nhà đầu tư vào mảnh đất quê hương.
Chia sẻ trên chương trình Đường đến thành công gần đây, doanh nhân Ngọc cho biết mình học kinh doanh từ thực tế thay vì trường lớp. Anh nói thêm, kinh doanh không dễ dàng. Nhưng hoàn cảnh càng khó khăn, khắc nghiệt, thì thành quả càng nhân lên gấp bội. Người kinh doanh cần đủ nghị lực, chân thành, chia sẻ cơ hội để đối tác an tâm. Bởi, khi niềm tin đủ vững, doanh nghiệp sẽ giống như gia đình khiến thành công vững bền hơn.
Xem thêm |