Rủi ro về thuế khi lao động di chuyển tự do trong AEC
|
Cộng đồng Kinh tế ASEAN AEC đã được thành lập hơn nửa năm nay. Theo đó, người lao động trong 10 quốc gia Đông Nam Á được di chuyển tự do đến bất kỳ nước nào trong khối kinh tế này để làm việc.
Thế nhưng, chính sách tưởng như tích cực này, trên thực tế vẫn tạo ra một số rủi ro về thuế cho người lao động, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý.
Hiện chưa có thống kê chính xác về nhu cầu và thực tế số lượng lao động đã được điều chuyển trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN AEC sau hơn nửa năm thành lập. Theo các chuyên gia, nhu cầu này khá lớn. Thế nhưng, hiểu biết của doanh nghiệp về các vấn đề thuế liên quan đến luân chuyển lao động vẫn đang sơ sài, chỉ dừng ở mức tìm hiểu.
Đại diện Tập đoàn Deloitte, một đơn vị chuyên tư vấn về thuế cho biết, hiểu biết còn sơ sài của doanh nghiệp có thể tạo ra nhiều rủi ro lớn nhất là hiểu sai, hiểu nhầm về luật, chính sách thuế giữa mỗi quốc gia trong AEC, từ đó gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp và người lao động.
Đại diện Cục Thuế TP.HCM thừa nhận, có hiện tượng người nước ngoài đến Việt Nam cư trú để làm việc nhưng kê khai thuế không đúng, dẫn đến thất thu thuế. Ví dụ trong một năm, một người nước ngoài cư trú có 9 tháng làm việc tại Việt Nam, làm việc tại Singapore 1 tháng, làm việc tại Nhật 2 tháng. Theo pháp luật Việt Nam, căn cứ để đánh thuế phải là tổng thu nhập tại Việt Nam, Singapore và Nhật.
Hiện Cục Thuế TP.HCM cũng đang có kiến nghị với Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc chỉnh sửa một số chính sách, quy định còn chồng chéo, chưa rõ ràng liên quan đến thuế thu nhập cá nhân của người lao động tự do.