|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hàng Việt xuất sang Australia nhìn vào thị trường ngách

16:01 | 12/04/2019
Chia sẻ
Sau khi CPTPP có hiệu lực vào đầu tháng 4, dự báo về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này là rất lớn nhưng thách thức gia nhập cũng không hề nhỏ.

Trong đó, để đáp ứng đủ yêu cầu, tiêu chuẩn tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, thách thức các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt không hề đơn giản. 

Nhìn vào thị trường Australia, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, tại hội thảo "Tiềm năng thị trường Australia từ CPTPP" diễn ra sáng ngày 12/4 cho rằng đây là một thị trường rất tiềm năng nhưng cũng rất khó. 

Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan cũng nhận định dù chỉ có 25 triệu dân, nhưng Australia có nhu cầu nhập khẩu nhiều, và đại bộ phận người tiêu dùng có thái độ cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu. 

Sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Việt Nam không phải sản phẩm có nhu cầu nhập khẩu cao

Hàng Việt xuất sang Australia nhìn vào thị trường ngách - Ảnh 1.

Nguồn: VCCI.

Theo VCCI, dù Australia chỉ là đối tác xuất khẩu lớn thứ 13 của Việt Nam, nhưng cơ cấu xuất khẩu cho thấy các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn nhiều dư địa.

Tuy nhiên, khi xét về các sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như thủy hải sản, hoa quả, chècà phê, nhu cầu của Australia là không lớn (dưới 1 tỉ USD).

Hàng Việt xuất sang Australia nhìn vào thị trường ngách - Ảnh 2.

Nhu cầu nhập khẩu của Australia đối với các mặt hàng truyền thống Việt Nam thấp. Nguồn: ITC Trademap/VCCI.

Vào thị trường Australia không dễ

Không những vậy, Australia còn nổi tiếng là một thị trường khó tính, đặc biệt với sản phẩm nông nghiệp. Báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Australia nhận định, quốc gia này là một trong những thị trường có qui định về kiểm dịch và vệ sinh an toàn sản phẩm nghiêm ngặt nhất thế giới. 

Người tiêu dùng quốc gia này đặt tiêu chuẩn chất lượng rất cao đối với hàng hóa, được bảo vệ bởi một loạt các qui định bảo vệ người tiêu dùng ở tất cả bang, và hướng tới sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Tại những thị trường nhập khẩu khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và Australia, số lần sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào Australia bị từ chối nhiều nhất trong giai đoạn 2002 - 2011, theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (Unido).

Việt Nam lại nằm trong top 10 quốc gia có số hàng nông nghiệp nhập khẩu vào Australia, bị từ chối nhiều nhất trong giai đoạn 2003 - 2010, với nguyên nhân chính là vi phạm ghi nhãn (179 trường hợp) và nhiễm khuẩn trên sản phẩm (265 trường hợp).

Australia cũng là quốc gia có tỉ lệ tần suất sử dụng các biện pháp phi thuế quan (NTM) năm 2015 là 61,8% cao hơn so với mức TB 43,04% của 75 nước điều tra, theo nghiên cứu từ WITS, WB (Giải pháp thương mại tích hợp thế giới của Ngân hàng Thế giới) năm 2015.

Doanh nghiệp Việt còn thiếu hiểu biết về CPTPP

Ngoài ra, dù Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực được ba tháng, song mức độ hiểu biết của các doanh nghiệp đối với hiệp định còn rất hạn chế vì mức độ phức tạp và khó hiểu.

Hàng Việt xuất sang Australia nhìn vào thị trường ngách - Ảnh 3.

Nguồn: VCCI.

Việc thiếu thông tin và hiểu biết về hiệp định sẽ là một thách thức đối với doanh nghiệp trong việc tận dụng khả năng ưu đãi thuế quan, lợi ích chính thu được từ việc kí kết các thỏa thuận thương mại (FTA).

Trong khi nguồn cung nội địa hạn chế, với một số ngành xuất khẩu, nguồn cung nguyên liệu nội địa mới chỉ đáp ứng được khoảng 10 - 20% nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp; và trong 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào mạng lưới cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia.

Khả năng tiếp nhận và mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ mới của Việt Nam rất thấp, lần lượt xếp thứ 122/144 và 123/144, theo báo cáo từ Unido công bố năm 2016.

Cùng với đó, Australia không chỉ có đối tác FTA, mà còn có hệ thống ưu đãi thuế quan cho các quốc gia kém phát triển, Đông Timor ... khiến áp lực cạnh tranh từ các đối tác này với Việt Nam là rất lớn. 

Australia có 11 FTA đã có hiệu lực với 20 đối tác (trong đó có Trung Quốc), và 9 FTA khác đang đàm phán hoặc chưa có hiệu lực, 14 đối tác mới (trong đó có EU gồm 27 thành viên).

Tiềm năng đến từ thị trường ngách

Theo bà Loan, Việt Nam có nhiều sản phẩm có thể gia tăng thị phần và có lợi thế xuất khẩu sang Australia như máy tính, điện tử và linh kiện; dệt may; túi xách, ví; thủy sản; sản phẩm hóa chất; thủy tinh và sản phẩm thủy tinh; hạt tiêu; cà phê ...

Mặc dù vậy, bà Loan cũng cho hay nên tiếp cận thị trường khó tính như Australia bằng những sản phẩm độc đáo, riêng biệt hay còn được gọi là sản phẩm ngách. Ví dụ điển hình như sản phẩm xoài xanh Sơn La và thanh long ruột đỏ

Thị trường ngách tuy nhỏ, nhưng khả năng giành được sự quan tâm từ người tiêu dùng và thị trường cao hơn. 

Lyly Cao