Australia: Vị cứu tinh của ngành cà phê thế giới?
"Nhu cầu cà phê dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và, nếu không biện pháp nào được thực hiện, hơn một nửa diện tích phù hợp trồng cà phê của thế giới sẽ bị đẩy vào tình trạng không phù hợp do biến đổi khí hậu. Nếu không có nghiên cứu và phát triển, ngành cà phê sẽ cần tới 180 triệu bao cà phê vào năm 2050 so với khả năng hiện tại của chúng ta", Greg Meenahan, Giám đốc hợp tác tại viện nghiên cứu phi lợi nhuận World Coffee Research, cho biết.
Để giải quyết vấn đề này, World Coffee Research đang thử nghiệm đa dạng địa điểm quốc tế. Theo đó, thử nghiệm 35 loại cà phê ở 23 quốc gia để xác định tầm ảnh hưởng của những vùng khí hậu khác nhau, gồm cả các vùng khí hậu khác nhau không liên quan đến sản xuất cà phê, như Australia.
Tại đây các nhà khoa học thuộc trường Southern Cross University sẽ thử nghiệm 20 giống cây chịu được biến đổi khí hậu.
Giáo sư Graham King, một nhà nghiên cứu khoa học thực vật hàng đầu tại SCU, cho hay trong tháng 1, có tới 900 cây sẽ được trồng tại trạm nghiên cứu trái cây nhiệt đới ở Alstonville, phía bắc New South Wales.
Theo ông King, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ tàn phá các vùng trồng cà phê lớn nhất thế giới vì thời tiết khắc nghiệt và sự gia tăng các cuộc tấn công của sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
Báo cáo mới được công bố trên tạp chí Science Advances cho thấy 60% trong tổng số 124 giống cà phê đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Theo thống kê, có 75 giống cà phê hoang dã đang bị đe dọa với nguy cơ tuyệt chủng, 35 giống không bị đe dọa và quá ít thông tin về 14 giống còn lại để đưa ra bất kì kết luận nào. Ngoài ra, có 28% giống cà phê hoang dã mọc bên ngoài các khu vực bảo vệ và chỉ một nửa hiện được bảo tồn trong các ngân hàng hạt giống. |
Tác động đã được ghi nhận. Ví dụ như trong báo cáo 2016 của Fairtrade Australia, năm 2012 ở Trung Mỹ đã bị một đợt gỉ lá cà phê (Hemileia differatrix) sau khi nhiệt độ cao bất thường và mưa lớn, khiến 500 triệu USD giá trị mùa màng bị tàn phá và khiến gần 350.000 lao động mất việc.
Hạn hán và bão thường xuyên đã khiến nông dân Costa Rica từ bỏ cà phê để trồng cam. Bên ngoài châu Mỹ Latinh, sâu ăn quả cà phê (Hypothenemus hampei) - vốn chỉ xuất hiện ở độ cao tối đa 1.500 m so với mực nước biển - đang được tìm thấy ở khu vực cao hơn giới hạn này, vì thời tiết nóng bất thường và lượng mưa lớn hơn tại các đồn điền từ Tanzania đến Indonesia.
Tại các đồn điền trên Mount Kilimanjaro, bọ cánh cứng hiện được tìm thấy ở độ cao hơn 300 m so với thế kỉ trước.
Ảnh: The Guardian. |
Lợi thế của Australia
Theo ông King, Australia không chỉ không xuất hiện những tai họa này, mà sự thay đổi khí hậu còn có thể tạo ra nhiều khu vực thích hợp để trồng cà phê tại quốc gia này nhờ giảm thiệt hại từ sương giá trong mùa đông.
Ông King cũng cảnh báo hoạt động thí nghiệm sẽ cần ít nhất 5 năm để có kết quả, nhưng nguồn tài trợ từ AgriFutures sẽ hết vào tháng 5. Ông nói nó đưa một cam kết không mấy thích hợp vè vấn đề.
Duncan Farquhar, Giám đốc phát triển kinh doanh của AgriFutures, cho hay llĩnh vực cà phê đã được cấp vốn để phát triển các giống mới từ năm 2014. Các ngành công nghiệp mới nổi, gồm cả ngành công nghiệp cà phê đã được mời để hoàn thiện một đợt huy động vốn mới.
Các số liệu của tổ chức cho thấy sản xuất cà phê địa phương còn rất lâu nữa mới đáp ứng được nhu cầu trong nước. Trong năm 2011 - 2012, chỉ có dưới 50 người nông dân Australia sản xuất khoảng 1.000 tấn cà phê xanh, trong khi khoảng 67.000 tấn được nhập khẩu.
Các chuyên gia từ AgriFutures cho biết cà phê Australia có lượng caffeine thấp hơn khoảng 10 - 15% so với cà phê ở nước ngoài vì nó được trồng trong môi trường ít căng thẳng. Caffeine được sản xuất từ cây cà phê như một cơ chế bảo vệ chống lại các mối đe dọa từ sâu bệnh.
Một cố vấn về ngành cà phê, ông David Peasley, cho biết nhiệt độ tăng có thể làm ảnh hưởng tiêu cực tới việc trồng cà phê ở phía bắc Queensland, nhưng đồng tình rằng Australia có thể giúp đỡ tại các vùng trồng cà phê cận nhiệt đới.
Tuy nhiên, ông cảnh báo biến đổi khí hậu có thể khiến các đồn điền ở Australia dễ bị sâu bệnh hơn và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ gây ra thách thức.