Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán bị ngân hàng siết nợ
Trong thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục đăng thông báo bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ, trong đó xuất hiện "tên tuổi" của nhiều doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán.
Gần đây nhất, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thông báo đấu giá tài sản của CTCP Nông dược HAI (Mã: HAI), một công ty trong hệ sinh thái của FLC. Giá khởi điểm đấu giá là 219,9 tỷ đồng.
Tài sản đầu giá là quyền sử dụng đất 3.048 m2 tại số 358 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM. Mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh (xây dựng trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng) với thời hạn sử dụng là 50 năm, kể từ ngày 24/1/2008.
CTCP Nông dược HAI đi vào hoạt động năm 2005, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các loại hóa chất cơ bản và các loại giống cây trồng, các loại thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
Hồi cuối tháng 9, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) thông báo xử lý khoản nợ có tài bản bảo đảm của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG). Giá bán/chuyển nhượng tối thiểu là gần 48,3 tỷ đồng
Cụ thể, tài sản xử lý bao gồm quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng với diện tích 3.180 m2 và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của Dự án bến xe khách liên tỉnh.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai được thành lập vào năm 2007. Doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với hơn 30 công ty thành viên, 4 công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
Vào giữa tháng 9, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của CTCP Licogi 166 (Mã: LCS). Lô tài sản gồm 6 máy công trình, 1 dây chuyền nghiền sàng đá và hai ô tô. Hai ô tô gồm bao gồm ô tô hãng Ford sản xuất năm 2017 và ô tô tải HOWO sản xuất năm 2015.
BIDV cho biết ô tô đều hoạt động bình thường, các thiết bị còn lại đang được sửa chữa, bảo trì. Giá khởi điểm dự kiến cho toàn bộ tài sản trên là hơn 11 tỷ đồng.
Ngoài Licogi 166, trong tháng 9, BIDV cũng thu giữ xe Rolls Royce để xử lý khoản nợ của CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS).
Đây là một trong những tài sản bảo đảm của các khoản vay theo hợp đồng thế chấp tài sản ngày 20/6/2018 giữa BIDV với CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (tên cũ là CTCP Đầu tư Du thuyền và Sân golf FLC Biscom).
Theo BIDV, khoản vay của FLC Faros đã phát sinh nợ quá hạn từ ngày 21/2/2022 với tổng số tiền gốc, lãi và phí phạt phát sinh đến ngày 9/8/2022 là xấp xỉ 186 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 177 tỷ, lãi và phí chậm trả gần 8,9 tỷ.
Một doanh nghiệp khác cũng bị BIDV bán đấu giá tài sản bảo đảm là CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (Mã: DIC).
Tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Khu công nghiệp Chơn Thành, Xã Thành Tâm, Huyện Chơn Thành, Tỉnh Bình Phước, và máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải được bố trí, lắp đặt kèm theo. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra cho toàn bộ tài sản trên là hơn 31,8 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bị ngân hàng siết nợ nêu trên đều là những đơn vị có kết quả kinh doanh thua lỗ. Đơn cử như Nông dược HAI, tháng 5/2022, doanh nghiệp này công bố lại báo cáo tài chính quý IV/2021 với khoản lỗ sau thuế nhảy vọt từ 1,5 tỷ đồng thành 672,5 tỷ đồng.
Tổng tài sản giảm 464 tỷ đồng so với báo cáo cũ đã nộp ngày 28/1, chủ yếu do điều chỉnh khoản mục phải thu ngắn hạn. Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả tăng lên trong khi vốn chủ sở hữu giảm đi so với báo cáo.
Song, kết quả kinh doanh của Nông dược HAI có phần khả quan hơn trong quý II năm nay. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 (chưa soát xét), tổng doanh thu hợp nhất quý II của doanh nghiệp này giảm 62,21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, do công ty vẫn duy trì được nguồn thu nhập từ một số hoạt động khác, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II tăng 330,47% so với cùng kỳ, đạt hơn 17,6 tỷ đồng.
Tại Đức Long Gia Lai, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của đơn vị này không mấy khả quan với doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 723,3 tỷ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2021. Chi phí quản lý tăng đột biến dẫn đến lợi nhuận sau thuế âm 361 tỷ đồng nửa đầu năm.
Tương tự, CTCP Đầu tư và Thương mại DIC cũng ghi nhận khoản lỗ hơn 45,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, riêng quý II lỗ hơn 25 tỷ đồng.