|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng hóa giảm giá, USD và chứng khoán trái chiều trước thềm báo cáo việc làm Mỹ

06:45 | 01/09/2016
Chia sẻ
Chốt phiên 31/8, trong khi giá kim loại quý, dầu thô và chứng khoán toàn cầu chưa kịp lấy lại đà tăng mạnh mẽ thì USD cũng bất ngờ chững lại do tâm lý giao dịch thận trọng trước khi Mỹ công bố số liệu việc làm.
tin nhap 20160901064258

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng xuống thấp nhất 2 tháng sau khi Viện ADP công bố báo cáo cho biết, lĩnh vực tư nhân đã tuyển dụng thêm 177.000 nhân sự trong tháng 8/2016 - cao hơn nhiều so với dự đoán của giới chuyên gia. Với tín hiệu tích cực này, giới đầu tư ngày càng bị thuyết phục rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất sớm trong tháng 9/2016 hoặc cuối năm nay.

Giá vàng giao ngay theo đó chốt phiên giảm 0,2% xuống 1.308,01 USD/ounce sau khi chạm đáy thấp nhất 2 tháng trong đầu phiên. Như vậy, trong cả tháng 8, giá vàng giao ngay đã giảm 3,2%.

Ngoài ra, giá vàng giao tháng 12/2016 cũng giảm 0,4% trong cả phiên và chốt phiên ở 1.311,40 USD/ounce.

Tương tự, bạch kim và palladium cũng có lúc chạm đáy trong phiên giao dịch trước khi nhích nhẹ lên, lần lượt ghi nhận phiên giảm 0,3% và 0,9%. Duy nhất giá bạc tăng 0,4% lên 18,65 USD/ounce.

Trên thị trường tiền tệ, giới đầu tư lại không hứng thú với báo cáo việc làm của ADP mà quay sang đánh giá chỉ số PMI Chicago (một chỉ số tổng hợp về tình hình sản xuất ở Chicago). Cụ thể, chỉ số PMI tháng 8 của Chicago bất ngờ giảm xuống 51,5 điểm sau khi liên tiếp tăng trong 2 tháng trước đó.

Đang giữ tâm lý giao dịch thận trọng trước thềm báo cáo việc làm của Mỹ, số liệu PMI này lại càng khiến giới đầu tư hạn chế đánh cược vào đồng bạc xanh do lo ngại Fed sẽ thoái lui khỏi kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay.

Sau báo cáo của ADP, chỉ số đôla ICE vọt lên cao nhất kể từ ngày 9/8 trước khi giảm dần về cuối phiên và chốt phiên gần như không đổi. Trong đó, USD nhích nhẹ lên 103,42 yen và giảm nhẹ so với euro xuống 1.1156 USD.

Trên thị trường chứng khoán, các sàn giao dịch lớn cũng chưa thể tìm được xu hướng chung và diễn biến theo hai chiều hướng trái ngược. Trong khi cổ phiếu tại Mỹ, châu Âu vẫn đỏ sàn thì thị trường chứng khoán châu Á lại ghi nhận một số điểm xanh.

Tại Mỹ, đà giảm giá của dầu thô trong vài phiên vừa qua đã kéo giá cổ phiếu năng lượng xuống thấp. Ba chỉ số chứng khoán lớn, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq, lần lượt giảm 0,29%, 0,24% và 0,19% với khoảng 6,82 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn.

Tại châu Âu, chỉ số STOXX 600 chốt phiên không đổi so với phiên trước sau khi chạm đỉnh trong phiên 30/8. Tuy nhiên, các chỉ số FTSE 100 của Anh hay DAX của Đức vẫn đỏ sàn.

Ngược lại ở châu Á, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương tăng nhẹ 0,04% với thị trường chứng khoán Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam đồng loạt tăng điểm.

Trên thị trường hàng hóa mềm, chốt phiên 31/8, giá dầu Brent giảm 2,8% xuống còn 47,04 USD/thùng và dầu WTI giảm 3,6% xuống 44,70 USD/thùng. Tuy nhiên trong cả tháng 8, dầu Brent và WTI lần lượt tăng 11% và hơn 7%.

Yếu tố khiến giá dầu hụt hơi trong thời gian gần đây là số liệu tồn kho dầu thô tại Mỹ. Ủy ban Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa cho biết, tồn kho dầu thô đã tăng 2,3 triệu thùng trong tuần trước, ghi nhận tuần thứ 2 tăng liên tiếp. Dự trữ dầu diesel và dầu đốt nóng cũng bất ngờ tăng mạnh. Số liệu của EIA đang gây áp lực rất lớn lên giá dầu thô với lo ngại dư thừa nguồn cung.

Kim Dung

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.