Hai phe Trump và Biden chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lí dài hơi
Quá trình kiểm phiếu vẫn còn chưa xong nhưng ông Trump đã tức tốc khởi kiện ở ba bang "chiến địa" là Pennsylvania, Michigan và Georgia. Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là cú đánh bất ngờ với Đảng Dân chủ. Từ trước ngày bầu cử, cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa đều đã chuẩn bị sẵn lực lượng pháp lí hùng hậu nhằm đề phòng kết quả bầu cử bị tranh cãi.
Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Biden là bà Jen O'Malley Dillon khẳng định: "Nếu Tổng thống Trump thực sự ra toà để ngăn cản quá trình tổng hợp kết quả bầu cử hợp lệ, chúng tôi cũng đã có đội ngũ chuyên gia pháp lí sẵn sàng đáp trả, và chúng tôi sẽ giành ưu thế". Tuyên bố này được đưa ra vào ngày 4/11, sau khi ông Trump dọa kiện lên Tòa án Tối cao nếu thua cử.
Tờ Politico cho biết từ trước Ngày bầu cử, chiến dịch của ông Biden đã lặng lẽ hướng tới việc huy động thêm tiền cho cuộc chiến pháp lí đắt đỏ có thể kéo dài đến hết tháng 11. Số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ cho hàng trăm luật sư làm việc cho chiến dịch của ông Biden, bao gồm cả những người đã được cử sẵn đến bang "chiến địa" để bảo vệ phiếu bầu.
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã đối đầu trong cuộc chiến pháp lí nhiều triệu USD trong suốt hàng tháng trời về qui tắc bỏ phiếu tại từng bang.
Luật sư Joe Cotchett, một nhà tài trợ của ông Biden nói với tờ Politico: "Những vụ kiện hậu bầu cử sẽ tốn kém tiền bạc. Một số luật sư làm việc miễn phí, nhưng vẫn còn phí nộp đơn, phí dịch vụ. Bạn cần tiền để trang trải những khoản này".
Việc chiến dịch tranh cử của một ứng viên tổng thống huy động tiền cho mục đích pháp lí và các chương trình bảo vệ cử tri không phải là chuyện hiếm. Nhưng qui mô và các nỗ lực pháp lí trong năm 2020 đặc biệt lớn, do từ trước ông Trump đã thường xuyên phủ nhận tính xác thực của kết quả bầu cử và cáo buộc rằng có tình trạng gian lận trên diện rộng.
Ông Trump cũng đã chuẩn bị sẵn tiền để khởi kiện thông qua các ủy ban Đảng Cộng hòa và chiến dịch tranh cử. Tờ New York Times cho biết chiến dịch của ông Trump có chương trình để giúp người ủng hộ tự động quyên góp tiền hàng tuần cho đến tận giữa tháng 12.
Mục tiêu lớn nhất của ông Trump có lẽ là đem kết quả bầu cử tổng thống lên tới tận Tòa án Tối cao để phân xử. Ông Trump đã vài lần dự đoán Tòa án Tối cao sẽ phải phán quyết cuộc bầu cử. Lí do này đã được ông sử dụng để nhanh chóng đưa người thay thế vị trí cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg để lại, bất chấp phản đối dữ dội của Đảng Dân chủ.
Với việc thẩm phán Amy Coney Barrett tuyên thệ nhậm chức vào tuần trước, giờ đây phe bảo thủ đã chiếm ưu thế 6-3 tại Tòa án Tối cao. Lợi thế này có thể giúp ích cho ông Trump trong các vụ kiện liên quan tới bầu cử.
Trên thực tế, tòa án này đã để ngỏ khả năng sẽ xem xét các vụ kiện của Đảng Cộng hòa về phiếu bầu gửi qua thư được gửi đến chậm.
Cuối ngày 4/11, chiến dịch của ông Trump đã chính thức yêu cầu Tòa án Tối cao can thiệp việc kiểm phiếu tại Pennsylvania. Ông Trump đang dẫn trước tại Pennsylvania nhưng bang này vẫn còn khoảng 1 triệu phiếu bầu gửi qua thư chưa được đếm, đủ để mang lại cơ hội chiến thắng cho ông Biden.
Tuy nhiên, toan tính của ông Trump về Tòa án Tối cao chưa chắc sẽ thành công. Các vụ kiện của ông sẽ cần được sự đồng thuận của ít nhất 5 trên 9 thẩm phán.
Theo Bloomberg, Chánh án Tối cao John Roberts đã ra hiệu rằng ông sẽ về phe ba thẩm phán theo tư tưởng tự do về vấn đề ở Pennsylvania. Trong khi đó, bà Barrett cũng có thể sẽ không về phe ông Trump, do lo ngại mang tiếng xấu là người mang lại chức tổng thống cho người vừa đề cử bà.
Đảng Cộng hòa cũng đã đệ trình hai vụ kiện khác tại Pennsylvania nhằm ngăn chặn việc kiểm phiếu của những người đã được phép sửa chữa các lỗi sai trên lá phiếu của họ.
Chiến dịch của ông Trump đăng tải thông cáo báo chí viết: "Những điều tồi tệ đang xảy ra ở Pennsylvania. Đảng Dân chủ đang âm mưu tước quyền và làm loãng phiếu bầu của Đảng Cộng hòa. Tổng thống Trump và đội của ông ấy đang chiến đấu để ngăn chặn âm mưu này".
Các chuyên gia bầu cử Mỹ cho rằng rất hiếm có tình trạng gian lận phiếu bầu.