Hai năm COVID: Hải Phòng, Quảng Ninh trụ vững trong Top 3 tăng trưởng cao nhất, quán quân 2020 tụt xuống vị trí thứ 10
Năm 2020, top 3 tỉnh thành tăng trưởng cao nhất nước gọi tên Bắc Giang (13,02%), Hải Phòng (11,02%), Quảng Ninh (10,05%). Năm 2020 cũng là năm Việt Nam chưa chịu bất cứ đợt dịch nghiêm trọng nào, chỉ có 5 tỉnh thành ghi nhận mức tăng trưởng âm.
Năm 2021 do ảnh hưởng của làn sóng dịch thứ 4, tăng trưởng âm 6,17% trong quý III kéo GDP cả năm chỉ đạt 2,58% - không đạt mục tiêu đề ra.
Về GRDP, có hai tỉnh đạt mức tăng trưởng trên 10%, đó là Hải Phòng (12,38%), Quảng Ninh (10,28%). Như vậy sau hai năm COVID, hai địa phương này vẫn giữ vị trí đầu bảng về tăng trưởng. Theo sau lần lượt là Gia Lai, Ninh Thuận và Thanh Hóa.
Trong khi đó, Bắc Giang - "quán quân" tăng trưởng trong năm 2020 thì năm 2021 xếp ở vị trí thứ 10. Đây cũng là điều dễ hiểu khi hồi tháng 5/2021, COVID-19 lan rộng trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang.
Ở chiều ngược lại, do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, đồng thời cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đầu tàu kinh tế TP HCM ghi nhận mức giảm sâu nhất trong lịch sử, giảm 6,78%. Tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 6,26%, Khánh Hòa giảm 5,68%.
Các địa phương khác gồm Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Cà Màu, Đồng Tháp, Tiền Giang cũng đồng loạt ghi nhận mức tăng trưởng âm. Như vậy, cả nước có 9 địa phương có mức tăng trưởng âm trong năm 2021.
Hải Phòng hai năm đại dịch đều lọt Top 3 tăng trưởng cao nhất
Trong năm 2020, GRDP của Hải Phòng tăng trưởng 11,22% trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP cao thứ hai cả nước, chỉ đứng sau Bắc Giang. Tiếp nối đà tăng trưởng của năm trước, năm 2021, Hải Phòng vươn lên dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng 12,38%. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 315.709 tỷ đồng.
Mức tăng này tuy không đạt kế hoạch nhưng đứng đầu và gấp hơn 5 lần bình quân chung cả nước (1,5-1,9%) khi so với các thành phố trực thuộc TW như: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ có mức tăng trưởng từ âm 6,7% đến 2,9%.
Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2021 ước đạt 90.421 tỷ đồng, đạt 117,2% dự toán Trung ương giao, đạt 101% dự toán HĐND TP giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt 35.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 54.000 tỷ đồng.
Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Hải Phòng trong năm qua cũng ghi nhận những dấu ấn. Tính đến 15/12, Hải Phòng có 51 dự án cấp mới đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 349,4 triệu USD, tương ứng với 32,94% so với cùng kỳ năm trước.
Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 64 dự án, với số vốn tăng là hơn 2.719 triệu USD. Tổng cấp mới và tăng vốn toàn thành phố có 115 dự án, vốn đầu tư đạt 3.069 triệu USD. Lũy kế đến ngày 15/12, Hải Phòng có 789 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 22.692 triệu USD.
Trong năm 2021, hàng loạt các dự án hạ tầng quan trọng với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đã được Hải Phòng khởi công, khánh thành, có thể kể đến như, hoàn thành và đưa vào khai thác Trục đường Hồ Sen – Cầu Rào 2, cầu Dinh, cầu Quang Thanh nối với tỉnh Hải Dương, tuyến đường nối nút giao Nam cầu Bính đến ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5….
Hướng về năm 2022, Hải Phòng đề ra 19 nhóm chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường để làm phương hướng phấn đấu. Trong đó, Hải Phòng đặt mục tiêu thu ngân sách nhà nước đạt 105.000 tỷ đồng, gồm thu nội địa 41.000 tỷ đồng và thu hải quan đạt 60.000 tỷ đồng.
Duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 13% trở lên so với năm 2021, GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 7.300 USD và tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 200.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hải Phòng đặt mục tiêu tới năm 2025 trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2025 đạt 15,1%/năm.
Quảng Ninh: 6 năm liên tục tăng trưởng hai con số
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 nhưng năm GRDP 2021 của Quảng Ninh ước tính tăng 10,28%, cao hơn 1,07 điểm % so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng cao, đứng thứ hai cả nước.
Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá, tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng 14,59%, chiếm tỷ trọng 52,9% trong GRDP. Với tốc độ tăng trưởng GRDP này đã khẳng định sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh khi 6 năm liên tiếp duy trì được đà tăng trưởng ở mức hai con số.
Đáng chú ý, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 51.000 tỷ đồng, bằng 115% dự toán Trung ương giao. Trong đó, tổng thu từ xuất nhập khẩu ước đạt 11.000 tỷ đồng, thu nội địa ước đạt trên 40.000 tỷ đồng.
Ước tính cả năm 2021, tổng vốn thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 360.774 tỷ đồng. Trong đó, thu hút FDI thế hệ mới có bước đột phá, đạt trên 1 tỷ USD, gấp 2,67 lần cùng kỳ; phê duyệt mới, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 53 dự án vốn trong nước với tổng vốn đăng ký là gần 315.000 tỷ đồng.
Đặc biệt dù trong bối cảnh doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nhưng trong quý IV vừa qua tỉnh đã khởi công 4 dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ USD.
Cụ thể: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại thị xã Quảng Yên và TP Hạ Long; Dự án Sân golf Đông Triều; Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại Cẩm Phả và Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tại Móng Cái.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu với loạt dự án khởi công mới, đồng thời tăng tiến độ công trình trọng điểm như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3…
Gia Lai tăng trưởng cao nhất khu vực Tây Nguyên
Trong vùng Tây Nguyên, Gia Lai là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất với mức tăng 9,71% so với năm trước. Trong khi đó, các địa phương như Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có mức tăng trưởng lần lượt là 6,47%, 5,1%, 8,63% và 2,58%.
Đáng chú ý, trong năm 2021, Gia Lai đồng loạt khởi công, triển khai 17 dự án điện gió, công suất vận hành dự kiến trên 1.242 MW, tổng vốn đầu tư hơn 43.442 tỷ đồng. Từ đầu tháng 11 đến nay có 11 dự án vận hành thương mại với sản lượng điện 295 triệu KWh, doanh thu hơn 560 tỷ đồng.
Trong năm, UBND tỉnh đã phê duyệt, cấp chủ trương đầu tư cho 64 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 25.000 tỷ đồng và 172 dự án đang được các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 14.000 tỷ đồng. Năm 2021, Gia Lai có hơn 900 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký thành lập 7.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số hoạt động nổi bật khác của Gia Lai trong năm 2021 so với năm 2020 có thể nhắc đến như: Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt hơn 67.200 tỷ đồng, gấp 2,4 lần; Thu ngân sách nhà nước cao kỷ lục đạt 7.592 tỷ đồng, tăng 65,3%, vượt dự toán Trung ương giao 66,8%.
Ninh Thuận tăng trưởng đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung
Theo thông tin mới đây của Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Ninh thuận, ông Nguyễn Văn Hương, tăng trưởng kinh tế Ninh Thuận trong năm 2021 đạt 9% so với năm trước. Đây là mức tăng cao thứ 4 của cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,98%, đóng góp 1,82 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 23,67%, đóng góp 6,98 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 0,02%, đóng góp 0,007 điểm phần trăm; thuế sản phẩm tăng 3,26%, đóng góp tăng 0,2 điểm phần trăm.
GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 68,4 triệu đồng, tăng 8,4 triệu so với năm 2020.
Mức tăng này một phần nhờ năng lượng tái tạo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, làm đầu tàu tăng trưởng cho toàn ngành. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và tuyến dây 500 kV, 220 KV do Trungnam Group đầu tư. Công trình được đưa vào khai thác đã trở thành một mắt xích trong hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Ngoài ra, theo số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê, Ninh Thuận cũng là địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 24,6%. Trong đó sản xuất và phân phối điện tăng 43,11%, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.
Tổng thu ngân sách tỉnh năm 2021 ước đạt 3.907 tỷ đồng và đạt 100,2% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó: Thu nội địa 3.000 tỷ đồng, đạt 111,1% dự toán được HĐND tỉnh giao, tăng 1% so với năm 2020; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 907 tỷ đồng, đạt 75,6% dự toán HĐND tỉnh giao.
Thanh Hóa thu ngân sách cao nhất từ trước tới nay
Theo công bố của Cục Thống kê Thanh Hóa, GRDP ước tính năm 2021 của tỉnh tăng 8,85% so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 58,1 triệu đồng, tương đương với 2.471 đô la Mỹ.
Trong đó, khu vực nông-lâm-thuỷ sản tăng 3,58%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 15,66% (riêng công nghiệp tăng 17,65%); các ngành dịch vụ tăng 3,59%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,32%.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 32.575 tỷ đồng, vượt 22,6% dự toán tỉnh giao, tăng 3,2% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 20.250 tỷ đồng, vượt 23,7% dự toán, giảm 2,3% so cùng kỳ. Đây cũng là số thu ngân sách nhà nước cao nhất từ trước tới nay mà tỉnh đạt được.
Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 137.630 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt kết quả tích cực. Đến ngày 25/11, giải ngân đạt 8.211 tỷ đồng, bằng 89,1% kế hoạch, cao hơn 5% so với cùng kỳ và đứng thứ hai cả nước.
Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết năm 2021, Thanh Hóa thu hút tổng cộng 11 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 192,4 triệu USD. Lũy kế đến nay, tỉnh có 167 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đặng ký đầu tư đạt 14,7 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về tổng vốn.
Vào thời điểm đầu năm 2021, Thanh Hóa đón tin vui khi 95,7 km trên tổng số 98,5km chiều dài tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh đã hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Trong đó đoạn triển khai đầu tiên là Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã bàn giao 100% mặt bằng. Đây là tiền đề cho cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công, hướng tới mục tiêu hoàn thành tuyến đường vào cuối năm 2022.
Một dự án giao thông trọng điểm khác cũng đang được Thanh Hóa quyết liệt triển khai là tuyến đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân khởi công năm ngoái. Cho tới thời điểm này, hình hài tuyến đường dài 35 km đã khá rõ nét.