Kinh tế Việt Nam 2024: Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là cực kỳ thách thức
Kinh tế khó khăn trên con đường hồi phục
Năm 2023, một quán ăn nhỏ rộng chừng 30m2 nằm trên tuyến phố chính của Hà Nội trong vòng một tháng đã ba lần đổi chủ. Những người đến với ánh mắt kỳ vọng rồi lại phải ra đi nhanh chóng khi nhu cầu ăn uống của người dân sụt giảm thê thảm. Những con phố kinh doanh, buôn bán từng một thời sầm uất, nhộn nhịp mỗi mùa Tết đến như Hàng Ngang, Hàng Đào giờ đây dán chi chít những biển cho thuê.
Công nhân mất việc, giảm giờ làm dẫn đến thu nhập giảm sút kéo theo hàng hoá ế ẩm, thương gia chịu lỗ để đẩy hàng tồn trong thời buổi khó khăn. Đây là những mảnh ghép tối màu trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2023.
Không riêng gì Việt Nam kinh tế khó khăn là tình trạng chung của nhiều quốc gia sau đại dịch COVID-19. Nguyên nhân là sự mở rộng tiền tệ ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới trong đại dịch cộng với xung đột Nga – Ukraine đã đẩy giá hàng hóa cơ bản lên cao, khiến lạm phát lan rộng trên toàn cầu kể từ nửa cuối năm 2022.
Kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn trên con đường hồi phục. Nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, buộc phải tiếp tục thắt chặt tiền tệ ưu tiên kiểm soát lạm phát, thay vì hỗ trợ tăng trưởng như trước. Bên cạnh đó, các biện pháp tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời kì khủng hoảng COVID-19 cũng dần được rút lại do ngân sách chính phủ ở nhiều nước thâm hụt nặng nề và nợ công chạm trần. Sự đóng băng của thị trường bất động sản và các chính sách vĩ mô kém hiệu quả của Trung Quốc cũng khiến cho đầu tàu tăng trưởng của khu vực châu Á đang gặp nhiều thách thức.
Hệ quả là, tăng trưởng kinh tế thế giới đang đang chậm lại trong môi trường lạm phát, lãi suất và rủi ro tài chính cao hơn. Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế trên thế giới. Sự chậm lại các dòng thương mại và đầu tư quốc tế khiến cho cỗ xe kinh tế Việt Nam phải khựng lại ít nhiều, bất chấp những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu đem lại.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023, dù cải thiện nhẹ qua các quý, nhưng chỉ đạt 5,05%, dưới mức trung bình trước đại dịch. Cả ba thành phần tổng cầu đều yếu. Các kênh tiếp cận vốn của doanh nghiệp đều gặp khó. Lạm phát tổng thể giảm trong nửa đầu năm nhưng có xu hướng quay đầu tăng trở lại. Đồng thời, lạm phát cơ bản khá dai dẳng trong khi những rủi ro tăng giá mới lại xuất hiện. Những nỗ lực mở rộng tài khóa và tiền tệ của Chính phủ gần đây đã phần nào giúp doanh nghiệp và người dân chống chọi với những khó khăn nhưng chưa thể đảm bảo sự hồi phục chắc chắn của nền kinh tế.
Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM, trong năm 2023, chúng ta đã làm được một số điều ghi dấu ấn rất tốt như: Hoạt động đối ngoại, nâng cấp quan hệ, tạo thuận lợi hơn cho phát triển nhưng cũng có những điều chưa làm được như câu chuyện kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp hay xử các thị trường vốn, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi.
Bên cạnh đó chúng ta cũng đặt ra nền tảng tốt hơn cho thời gian tới như: Sửa đổi khuôn khổ pháp lý, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, đi vào câu chuyện sâu hơn về phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó là những vấn đề như quy hoạch, đề án chiến lược cho một số ngành, ký kết thêm các FTA, nâng cấp quan hệ đối tác tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển, cải cách thể chế.
Ông cho rằng trong bối cảnh khó khăn như vậy, kết quả tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 5,05% không thấp so với một số quốc gia trên thế giới, quý sau nhích lên so với quý trước cho thấy sự hồi phục. Song với các năm trước, con số tăng trưởng GDP trên 5% lại thấp hơn nhiều, đặt ra thách thức rất lớn trong kế hoạch 5 năm.
2024 vẫn là một năm khó khăn
Đánh giá về bối cảnh vĩ mô năm nay, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng 2024 vẫn được coi là một năm khó khăn. Câu chuyện cốt lõi là những thách thức từ bên ngoài, sự bất ổn, bất định, khó lường và ngày càng theo chiều hướng không mấy tích cực. Thấy rõ là vấn đề địa chính trị còn phức tạp bên cạnh đó là những bất trắc của câu chuyện thời tiết cực đoan. Điều được hy vọng có thể tốt hơn là khả năng suy thoái của các nền kinh tế, các đối tác lớn của Việt Nam có xác suất thấp đi.
“Áp lực lên lạm phát, lãi suất tỷ giá giảm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt Nam xử lý các vấn đề tài chính tiền tệ cũng như có chính sách hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế, linh hoạt hơn, tốt hơn. Trong nước, vẫn là những câu chuyện mà chúng ta đã nỗ lực làm, cần xử lý bằng được các vấn đề tài chính tiền tệ gắn với bất động sản”, TS. Thành cho biết.
PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân, cũng cho rằng nền kinh tế năm 2024 có thể đối mặt với những vấn đề không thể lường trước được, có thể xảy ra bất ngờ. Ông chỉ ra ba yếu tố được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế vào năm sau.
Đầu tiên, đó là sự hồi phục của thị trường thế giới liên quan đến thương mại quốc tế, đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong năm 2024. Với khu vực đầu tư nước ngoài, từ những tín hiệu tích cực của xuất khẩu Việt Nam có thể kéo theo đầu tư nước ngoài để hướng ra thị trường xuất khẩu.
Một điều nữa là thị trường trong nước sẽ hồi phục. Đối với thị trường bất động sản, cần tập trung vào các phân khúc phù hợp với túi tiền của người dân, cùng với sự trợ giúp của Nhà nước trong việc gỡ bỏ những vướng mắc, rào cản trong thủ tục hành chính giúp nguồn cung dự án tăng lên. Điều này có thể giúp khu vực đầu tư tư nhân hồi phục một phần.
Yếu tố thứ ba là đầu tư công của Việt Nam sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2024 nhằm gỡ khó cho nền kinh tế. Tiêu dùng có thể hồi phục nhẹ một chút so với năm nay.
Bên cạnh những yếu tố tích cực đó, nền kinh tế Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức. Theo ông Phạm Thế Anh, trong nước môi trường lạm phát, nếu không kiểm soát tốt lãi suất, tín dụng để tăng trưởng nóng sẽ xảy ra những rủi ro bong bóng tại thị trường này. Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian vừa qua nếu không tốt có thể trở thành những rào cản đối với môi trường kinh doanh trong nước và cản trở đầu tư của khu vực tư nhân. Với bên ngoài, những rủi ro địa chính trị, xung đột giữa các nước và thời tiết, thiên tai có thể đẩy chi phí các nguyên vật liệu cơ bản trên thế giới tăng cao. Điều này sẽ gây khó khăn cho sản xuất ở trong nước.
Do đó, chuyên gia này đánh giá rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% tiếp tục là một thách thức với Chính phủ trong năm 2024. “Nếu các con số thống kê đáng tin cậy thì việc đạt được mức tăng trưởng đó là một điều cực kỳ thách thức”, ông nói.
Trong năm 2024, các tổ chức lớn trên thế giới dự báo rằng tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ thấp hơn so với năm 2023. “Tôi cũng đồng tình với nhận định đó và chúng ta khó có thể kỳ vọng vào sự đột biến, đột phá đối với các nguồn lực từ bên ngoài tới thương mại quốc tế”, ông Phạm Thế Anh nhìn nhận.
Ở trong nước, các thị trường vẫn tương đối khó khăn đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực bất động sản, xây dựng và các ngành nghề liên quan đang gặp nhiều khó khăn. Sự khó khăn của thị trường bất động sản có thể kéo dài nhiều năm nữa, nhất là các phân khúc không đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân. Trong khi đó, nhu cầu ở thực của người dân lại gặp vướng mắc rất nhiều, nguồn cung hạn hẹp, giá tăng cao. Do vậy, nếu không phát triển được những phân khúc phù hợp với thị trường thì rất khó hồi phục.
Cần tạo dựng niềm tin cho thị trường
Để đạt được kết quả tăng trưởng cao nhất trong năm 2024, theo các chuyên gia, phải làm sao ổn định được an toàn hệ thống cho vận hành trôi chảy trong quá trình hỗ trợ tăng trưởng và thực hiện tốt hơn các chính sách cho năm 2024 trong kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, tận dụng tốt nhất những nền tảng pháp lý, thể chế đang nỗ lực cải cách, quan hệ với bên ngoài để không chỉ xuất khẩu mà còn là thu hút đầu tư.
Tất cả những điều đó tạo dựng dần niềm tin cho thị trường, cho nhà đầu tư. “Niềm tin là điều quan trọng nhất để các chính sách đi vào thực tế. Cùng với đó là tính quyết liệt của bộ máy chính trị. Chính sách có thể chưa hoàn hảo, thực hiện chưa được như mong muốn nhưng cho thấy sự nỗ lực. Những dấu ấn tích cực vừa qua trong chuyển động đầu tư công tuy chưa được như mong muốn nhưng khá tích cực” TS. Võ Trí Thành cho hay.
Theo ông Thành, động lực tăng trưởng của năm tới sẽ đến từ việc hỗ trợ xử lý các vấn đề của thị trường tài chính và đặt ra các chính sách để tận dụng tốt hơn nền tảng. Không phải ngẫu nhiên mà dự báo năm 2024 khác nhau. Tăng trưởng Việt Nam có thể chưa phải quá cao nhưng tất cả các dự báo đều cho rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2023. Ông đánh giá năm 2024 nhiều dự báo cho rằng có thể là 5,5 – 5,7% hoặc có thể tốt hơn.
*Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số Đặc biệt mừng Xuân Giáp Thìn