|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng kinh tế 2023: Khó khăn là cơ hội để nhận ra điểm yếu

07:55 | 04/12/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, bối cảnh khó khăn là một cơ hội để Việt Nam nhận ra các điểm yếu. Nếu không có những thay đổi căn bản tạo động lực cho giai đoạn mới, Việt Nam khó có thể duy trì được mức tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đặt ra cho các năm tiếp theo.

Đến lúc này, gần như có thể chắc chắn nền kinh tế Việt Nam năm 2023 không có quá nhiều đột phá như kỳ vọng được các chuyên gia kỳ vọng đưa ra hồi đầu năm.

Các thị trường xuất khẩu chủ chốt không thể phục hồi nhanh chóng giúp Việt Nam giữ vững đà tăng trưởng từ xuất khẩu. Những bất ổn của địa chính trị thế giới thậm chí còn gia tăng do cuộc xung đột tại Trung Đông gây lo ngại tăng giá dầu, giá lương thực ở mức cao.

Xuất nhập khẩu giảm sâu trong giai đoạn đầu năm và dần phục hồi. (Nguồn: GSO).

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đánh giá năm 2023, Việt Nam gặp rất nhiều thách thức từ xu hướng tăng trưởng chậm của kinh tế toàn cầu.

Trong những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giảm 26%. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu vẫn giảm 6,4% so với cùng kỳ và nhập khẩu giảm 11,7%.  Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có thời điểm giảm 15% và đến hết tháng 11 mới phục hồi tăng nhẹ 1%.

Dù vậy, mức độ giảm của một số ngành như xuất nhập khẩu, chế biến, chế tạo đang dần ít đi có nghĩa là kinh tế đang tốt lên.

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm sâu như giai đoạn COVID-19. (Nguồn: GSO).

Về đầu tư, ông cho biêt giải ngân đầu tư công 11 tháng đạt 75% vốn kế hoạch, cách xa mục tiêu 95% của cả năm nhưng tăng 20% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khoảng 4%. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân chưa như kỳ vọng, chỉ tăng khoảng trên 3%, trong khi mức tăng thông thường khoảng 6 - 7%.

"Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 5 - 5,2%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu 6 - 6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương", chuyên gia đánh giá.

Ngoài nguyên nhân xuất phát từ kinh tế thế giới, theo các chuyên gia, những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam sẽ bộc lộ trong giai đoạn khó khăn hiện tại. Nếu không có những thay đổi căn bản, Việt Nam khó có thể duy trì đà tăng trưởng mục tiêu là 6,5% trong các năm tới.

'Bẫy thu nhập trung bình' rất hiển hiện

PGS. TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Singapore. (Ảnh: Hạ An).

Những cơn gió ngược trên thế giới và cả những điểm yếu nội tại khiến nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Việc phụ thuộc vào xuất nhập khẩu và khu vực FDI khiến nền kinh tế thiếu vắng đi một động lực tăng trưởng quan trọng mà khu vực trong nước khó có thể bù đắp.

Theo PGS. TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Singapore, khả năng tăng trưởng GDP năm nay chỉ đạt khoảng 5% là rất cao bởi đã đi qua 11 tháng nhưng nền kinh tế không có động lực nào đột phá.

"Đây là một thực tế mà chúng ra cần phải chấp nhận. Tăng trưởng GDP chậm xuất phát từ hai nguyên nhân: Kinh tế toàn cầu cũng ở trong điều kiện tăng trưởng rất hạn chế và thứ hai là do điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam", ông Khương nói.

Theo vị chuyên gia, Việt Nam hiện vẫn chưa thay đổi được căn bản là phát triển mạnh về chất, nâng cao năng suất lao động, tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao mà chủ yếu vẫn phát triển theo chiều rộng.

Một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế là khu vực xuất nhập khẩu, trong đó FDI có tỷ trọng rất lớn. Quy mô xuất nhập khẩu đạt trên dưới 600 tỷ USD, trong khi GDP năm 2022 là 409 tỷ USD.

Một số điển hình quốc tế cho thấy quy mô xuất nhập khẩu cao nhất sẽ đạt ngưỡng 200% sau đó bắt đầu suy giảm, Việt Nam cũng khó tránh khỏi quy luật. Vì vậy, nếu vẫn duy trì mô hình tăng trưởng cũ, tức là coi nhẹ tăng trưởng xanh và chỉ phát triển mở rộng, không chú trọng năng suất thì việc mắc kẹt ở mức độ tăng trưởng không ấn tượng có thể xảy ra, ông Khương phân tích.

Chuyên gia cho biết các yếu tố cạnh tranh về thu hút vốn FDI của Việt Nam cũng đang dần kém hấp dẫn như giá lao động, nhân công, đất đai...

"Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động họ đã nghiên cứu chuyển sang đầu tư vào các quốc gia có giá nhân công rẻ hơn như Bangladesh. Vì vậy, nếu không nâng cao được năng suất lao động, tạo những lợi thế khác bù lại nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình rất hiển hiện", ông nói.

Cũng theo ông Khương, cùng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu nhưng Bangladesh đã "thắng" Việt Nam ở xuất khẩu dệt may trong năm nay. Họ đã đi trước trong việc chuyển đổi xanh. Đó là lý do xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm mà Bangladesh lại tăng trưởng.

Vị chuyên gia đến từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu đánh giá bối cảnh khó khăn như năm nay là một cơ hội để Việt Nam nhìn nhận được điểm yếu của mình. Nếu không có những thay đổi căn bản tạo động lực cho giai đoạn mới, Việt Nam khó có thể duy trì được mức tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đặt ra cho các năm tiếp theo.

"Nền móng yếu khó có thể đi xa"

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: NVCC).

Hiến kế để phát triển nền kinh tế Việt Nam, theo các chuyên gia, trong ngắn hạn Việt Nam cần có những giải pháp tài khoá, tiền tệ để vượt qua những thách thức trước mắt. Về lâu về dài, Việt Nam cần có những thay đổi căn bản về thể chế.

TS. Cấn Văn Lực đánh giá năm nay Chính phủ đã rất quyết tâm thúc đẩy nền kinh tế bằng việc ban hành số lượng chính sách chưa từng có. Từ các chính sách tài khóa bao gồm giãn, hoãn, giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ cho các thị trường vốn, đất đai, bất động sản, du lịch…hay việc tháo gỡ về visa, thị trường vốn...Hầu hết các chính sách áp dụng từ thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đến nay được giữ nguyên.

Cũng trong năm nay nhiều quy định, luật quan trọng, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… được sửa đổi, dù không thông qua cùng thời điểm.

Tuy nhiên, theo ông Lực, nền kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, lãi suất cho vay còn cao, doanh nghiệp không có đầu ra...Vì vậy, cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi nền kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt.

Về lâu dài, TS. Khương cho rằng cần phải có những ý tưởng, hành động rất cách mạng trong thời gian tới về tăng trưởng xanh, quy hoạch chiến lược tầm quốc gia để hoạch định hướng phát triển của Việt Nam trong tương lai.

“Khát vọng lớn mà nền móng yếu cũng không thể đi xa. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chi phí logistic cao, thủ tục rườm rà, phức tạp cũng là những hạn chế trong thu hút FDI. Nếu không giải quyết triệt để được thì nền kinh tế khó có thể “cất cánh” và làm nên những điều kỳ diệu", ông nói.

Vị chuyên gia đánh giá hiện hệ thống chính trị rất quyết tâm như vấn đề thu hút FDI chất lượng cao hay tăng trưởng xanh nhưng cần có những thiết kế chính sách và tầm nhìn xa hơn. Mỗi chính sách đưa ra cũng phải đánh giá hiệu quả bởi nếu thiết kế không phù hợp với thực tế sẽ không đạt mục tiêu đề ra.  

Ông đề xuất Việt Nam có thể gắn kết với một đối tác chiến lược như Singapore chẳng hạn để xây dựng nền kinh tế Việt Nam + Singapore để học hỏi, tham khảo kỹ kinh nghiệm từ nay đến 2030 để tạo ra những nền tảng rất căn bản tạo khí thế mới.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An