|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hạ viện Mỹ phế truất lãnh đạo, gây thêm áp lực cho nền kinh tế

16:30 | 04/10/2023
Chia sẻ
Theo tờ CNN, việc chủ tịch Hạ viện bị phế truất có thể khiến Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ vì sự kiện này thể hiện rõ tình trạng phân cực chính trị ở Washington. Moody's là tổ chức duy nhất trong ba cơ quan xếp hạng lớn vẫn còn giữ xếp hạng của Mỹ ở bậc cao nhất là AAA.

Ông Kevin McCarthy rời khỏi Hạ viện. (Ảnh: CNN). 

Cuộc đối đầu giữa các nhà lập pháp Mỹ ngày càng trở nên khốc liệt dù hậu quả của tình trạng chia rẽ cũng rất lớn. Cuộc tranh cãi mới nhất trên Đồi Capitol có thể khiến Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm, gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Trong mùa hè năm 2023, mối bất hoà giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa suýt nữa đã khiến Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Đến cuối tuần trước, chính phủ Mỹ tránh được cảnh phải đóng cửa nhờ thỏa thuận ngân sách tạm thời mà Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được với Đảng Dân chủ.

Nhưng hành động trên đã khiến các thành viên thuộc phe cứng rắn của Đảng Cộng hòa tức giận. Hôm 3/10, một nhóm nhỏ gồm 8 nghị sĩ Đảng Cộng hoà và toàn bộ Đảng Dân chủ đã bỏ phiếu bãi nhiệm ông McCarthy.

Theo tờ CNN, việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến góc nhìn của Moody’s Investors Service về xếp hạng tín nhiệm của Mỹ. Trong số ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn bao gồm Standard & Poor's (S&P) và Fitch, Moody’s là tổ chức cuối cùng vẫn còn giữ xếp hạng trái phiếu chính phủ Mỹ ở bậc cao nhất là AAA.

Bối cảnh

Lần đầu tiên Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm là vào năm 2011, bởi S&P. Tuy các nhà lập pháp đã đạt được thỏa thuận vào phút chót để ngăn chính phủ vỡ nợ, S&P cảm thấy cuộc tranh cãi của giới chính trị gia căng thẳng đến mức họ trở nên ngờ vực về độ tin cậy của chính phủ trong việc thanh toán nợ đúng hạn.

Động thái của S&P có tác động cực kỳ lớn lên thị trường, dẫn đến việc thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc nặng nề và lợi suất trái phiếu kho bạc bật tăng.

 

Fitch đi đến kết luận tương tự vào tháng 8 và hạ xếp hạng nợ của chính phủ Mỹ từ AAA xuống AA+. Động thái này đã kích hoạt một cuộc bán tháo và kéo lợi suất trái phiếu kho bạc lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng.

Nhưng sau đó thị trường đã nhanh chóng phục hồi. Và kể từ đó, mọi con mắt đổ dồn về Moody’s, cơ quan đã duy trì xếp hạng AAA đối với nợ chính phủ Mỹ kể từ năm 1917.

Giọt nước làm tràn ly?

Tuần trước, Moody’s cảnh báo rằng nếu chính phủ đóng cửa thì họ có thể phải hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ. Moody’s viết: “Chính phủ đóng cửa sẽ không ảnh hưởng đến các khoản thanh toán nợ. Và nếu chính phủ sớm mở cửa trở lại thì nhiều khả năng nền kinh tế sẽ không phải chịu gián đoạn".

"Song, nếu chính phủ thực sự phải đóng cửa, sự kiện này có thể nhấn mạnh những yếu kém trong thể chế và quản trị của Mỹ so với các quốc gia được xếp hạng AAA khác", Moody's nêu rõ.

Khi Moody’s đưa ra cảnh báo trên, nguy cơ chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động lớn hơn nhiều khả năng ông McCarthy bị phế truất. Nhưng việc chính phủ có thêm tiền tài trợ cho đến giữa tháng 11 không có nghĩa là các nhà phân tích của Moody’s sẽ nghĩ rằng Mỹ đã tránh được khủng hoảng. Sự thật có lẽ là ngược lại.

Kể từ năm 1980, chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa 14 lần. Nhưng trong lịch sử của Mỹ, chưa bao giờ một chủ tịch Hạ viện lại bị phế truất - cho đến ngày 3/10/2023. So với chính phủ đóng cửa, việc chủ tịch Hạ viện mất chức có lẽ còn là dấu hiệu rõ nét hơn của tình trạng phân cực chính trị.

Ý nghĩa quan trọng

Trước khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ông McCarthy có kết quả chính thức, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 3/10 cũng đã trở nên xôn xao vì báo cáo mới của Bộ Lao động

Lợi suất trái phiếu kho bạc nhảy vọt lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, khiến giới đầu tư lo ngại rằng chi phi đi vay tăng cao có thể gây thêm áp lực lên thị trường nhà đất. Kết phiên, chỉ số chỉ số Dow Jones giảm 1,3%, rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt mất 1,4% và 1,9%.

Nếu Mỹ bị Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm, lợi suất trái phiếu kho bạc rất có thể sẽ lên cao hơn nữa để phản ánh rủi ro gia tăng của việc nắm giữ nợ của Mỹ.

Điều này sẽ làm tăng chi phí vay mượn bởi ngân hàng và các tổ chức tài chính khác thường ấn định lãi suất dựa trên trái phiếu kho bạc. Chuỗi sự kiện trên sẽ gây ra thêm rủi ro tới nền kinh tế Mỹ và làm tăng nguy cơ suy thoái.

Giang