Hà Nội sẽ cấm sử dụng than tổ ong từ năm 2021
Thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội khiến không ít người lo lắng. Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm; trong đó việc đốt than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày của một bộ phận nhân dân và các hộ kinh doanh dịch vụ đã tạo ra chất thải, khí thải, gây những tác động xấu đến môi trường không khí do phát sinh bụi mịn PM2.5, khí CO, CO2, SO2.
Việc làm này ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, cộng đồng dân cư, không đảm bảo về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Thực hiện Nghị quyết của Thành ủy và HĐND thành phố, từ năm 2016 đến nay, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, nghiên cứu, đánh giá tác động của bếp than tổ ong đối với sức khỏe và môi trường nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của bếp than tổ ong.
Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tìm kiếm các giải pháp thay thế đảm bảo an toàn, hiệu quả; thí điểm sử dụng bếp và nhiên liệu thân thiện môi trường…
Mặc dù có nhiều giải pháp nhưng đến nay, thành phố mới giảm được 30% số lượng bếp than tổ ong đang sử dụng so với năm 2017.
Ngoài giá thành rẻ, thói quen người sử dụng, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân về tác hại của than tổ ong tới sức khỏe còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền chưa đầy đủ, thiếu quyết liệt…
Coi đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách để bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Chỉ thị về việc thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn.
Theo đó, thành phố yêu cầu các cấp thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ như: Quyết liệt thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than và bếp than tổ ong; tập trung tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thấy rõ tác hại ô nhiễm môi trường; xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó xác định cụ thể lộ trình, giải pháp quản lý, quy định về chế tài xử lý, chính sách hỗ trợ (đối với hộ nghèo) để đảm bảo đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn thành phố không còn sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu phục vụ sinh hoạt.
UBND thành phố giao Công an thành phố chỉ đạo Công an các quận huyện, thị xã căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đốt than tổ ong sau ngày 1/1/2021 gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc chỉ đạo để đảm bảo đầu năm 2021 không còn việc sử dụng than tổ ong trên địa bàn.
Thành phố cũng sẽ xây dựng tiêu chí thi đua để biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tổ chức đi đầu thực hiện chủ trương này. Thành phố thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của nhân dân để xử lý kịp thời nếu xảy ra vi phạm...
Sở Công Thương, Sở Tài chính sớm xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cung cấp sản phẩm bếp an toàn, thân thiện môi trường và sức khỏe con người thay thế bếp than tổ ong.
Đặc biệt có cơ chế chính sách hỗ trợ để các cơ sở sản xuất kinh doanh than tổ ong chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/6/2020 để xem xét quyết định.