Google trả lương dưới chuẩn cho hàng nghìn nhân viên thời vụ
The Guardian vừa tiết lộ việc gã khổng lồ công nghệ Google đã trả lương thấp một cách bất hợp pháp cho các nhân viên ở hàng chục quốc gia. Lãnh đạo công ty đã biết chuyện này từ tháng 5/2019. Tuy nhiên thay vì khắc phục sai sót, Google lại tìm cách che đậy vấn đề trước truyền thông trong suốt hai năm qua.
Google trì hoãn điều chỉnh sai sót
Từ tháng 5/2019, các giám đốc điều hành của Google đã nắm được thông tin về việc công ty đang vi phạm các quy định ở Anh, EU và châu Á. Cụ thể, tại các địa phương này, nhân viên thời vụ được trả mức lương ngang bằng với nhân viên toàn thời gian nếu thực hiện công việc tương tự.
Các báo cáo cho thấy, thay vì ngay lập tức thay đổi, điều chỉnh chính sách thì Google đã trì hoãn xử lý suốt hơn hai năm với lý do lo ngại về chi phí cho các nhân viên thời vụ tăng sẽ kéo theo chi phí của một số bộ phận khác tăng theo. Ngoài ra, công ty cũng e ngại khi phải đối mặt với các cáo buộc pháp lý và truyền thông tiêu cực.
Về cơ bản thì CEO và luật sư của Google đều theo đuổi các chính sách an toàn và ít tốn kém nhất có thể. Thế nhưng, chính bản thân họ cũng phải thừa nhận vụ việc sau khi được The Guardian liên hệ. Gã khổng lồ công nghệ cho rằng cách xử lý của họ có thể đặt các công ty cung ứng nhân sự cho Google rơi vào “tình thế khó khăn về mặt pháp lý và đạo đức”.
Thừa nhận sai lầm và cam kết điều chỉnh
Sau khi thừa nhận sai lầm, Google cho biết họ sẽ tiến hành một cuộc điều tra và làm rõ. Ông Spyro Karetsos, Giám sát trưởng của Google cho biết: “Mặc dù công ty đã không tăng lương theo mức chuẩn của một số năm, nhưng tỷ lệ trả lương thực tế cho nhân viên thời vụ đã tăng lên nhiều lần trong thời kỳ đó. Hầu hết nhân viên thời vụ được trả lương cao hơn đáng kể so với tỷ lệ khi thực hiện các so sánh”.
“Tuy nhiên, quá trình này đã không được xử lý phù hợp với tiêu chuẩn quy định ở các địa phương. Chúng tôi đang xem xét kỹ lưỡng và cam kết xác định, giải quyết mọi chênh lệch về lương. Công ty cũng sẽ tiến hành đánh giá các hoạt động của mình trên phương diện này. Tóm lại, chúng tôi sẽ tìm hiểu điều gì đã xảy ra, tại sao và phải sửa thế nào cho đúng”, ông nói thêm.
Đối mặt với các rủi ro pháp lý
Tổ chức phi chính phủ Whistleblower Aid đại diện cho cá nhân (nhân viên của Google) đệ đơn khiếu nại về những vi phạm của công ty lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC).
Mặc dù luật lao động quốc tế không thuộc thẩm quyền của SEC, nhưng đơn kiện cáo buộc rằng việc Google không tiết lộ các khoản nợ phải trả tương đương, mà họ ước tính có thể lên tới 100 triệu USD đã tạo thành sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính hàng quý của mình, vi phạm luật chứng khoán Mỹ .
Ông John Tye, người sáng lập và Giám đốc truyền thông của Whistleblower Aid cho biết: “Theo tiết lộ, Google không chỉ vi phạm luật lao động trên thế giới mà còn đánh lừa các nhà đầu tư về trách nhiệm pháp lý và tài chính. Việc tiết lộ người tố cáo ẩn danh, hợp pháp là một bước quan trọng để đảm bảo rằng Google phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi kêu gọi SEC có hành động pháp lý với Google và bảo vệ quyền của các nhà đầu tư khi nhận được thông tin đầy đủ và chính xác”.
Hiện tại, Google đang có số lượng lớn nhân viên thời vụ tới hơn 100.000 người. Đa số họ đều làm việc cho Google qua các nhà thầu, thực hiện các nhiệm vụ từ bảo mật đến mã hóa và phân tích dữ liệu.
Phần lớn những người lao động này làm các công việc độc lập như kiểm duyệt nội dung và ít tương tác với nhân viên chính thức của Google.
Các bộ phận của Google phụ thuộc nhiều nhất vào lao động thời vụ là tuyển dụng, tiếp thị và Waymo (công ty con về xe tự hành của Google). Trên phạm vi toàn cầu, Google chi khoảng 800 triệu USD mỗi năm cho nhân viên thời vụ.
Việc sử dụng lao động thời vụ là phổ biến trong ngành công nghệ, nhưng việc Google dựa vào “lực lượng lao động bóng tối” đông hơn nhân viên chính thức, toàn thời gian đã vấp phải nhiều chỉ trích.