|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xanh SM vượt Grab, dẫn đầu thị phần taxi công nghệ tại Việt Nam

19:50 | 04/02/2025
Chia sẻ
Theo báo cáo tổng hợp hàng năm về thị trường taxi tại Việt Nam của Mordor Intelligence, Xanh SM đã vươn lên dẫn đầu thị trường taxi công nghệ tại Việt Nam, chiếm 37,41% thị phần trong quý IV/2024.

Báo cáo của Mordor Intelligence chỉ ra, trong quý IV/2024, Xanh SM dẫn đầu thị trường taxi công nghệ với 37,41% thị phần, vượt qua Grab (36,62%) và bỏ xa các đối thủ khác như Be (5,55%), Mai Linh (4,81%), Vinasun (2,44%).

Trước đó, nghiên cứu được thực hiện cuối năm 2024 từ Q&Me cho thấy sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ ô tô điện Xanh SM đạt 83%, vượt Grab (80%) và Be (68%). Xanh SM cũng là ứng dụng được người dùng chi tiêu nhiều nhất. 

Quý I/2024, Decision Lab - đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam, công bố báo cáo "The Connected Consumer” chỉ ra rằng Xanh SM chiếm đến 32% tỷ lệ thâm nhập thị trường tại thời điểm đó và bỏ xa các ứng dụng khác. 

Như vậy thị phần và thứ hạng của Xanh SM liên tục tăng, bắt kịp và vượt qua đối thủ lớn nhất.

Xanh SM trên đường phố TP HCM. (Ảnh: Xanh SM).

Theo Mordor Intelligence, tốc độ phát triển trung bình của thị trường taxi công nghệ dự kiến tăng trưởng lên tới 22,7% CAGR từ 2025-2030, trong khi trước đó tốc độ trung bình này chỉ là 4,72% do dịch COVID-19 từ 2020-2024.

Tuy nhiên, thị trường này cũng chứng kiến tốc độ đào thải nhanh. Nếu như 2-3 năm về trước, Gojek cùng với Grab là hai cái tên lớn trong lĩnh vực gọi xe tại Việt Nam thì đến nay Gojek đã vắng bóng hoàn toàn. 

Trước đó, ứng dụng giao đồ ăn Baemin sau 5 năm hoạt động tại Việt Nam cũng đã phải dừng bước. Baemin từng là nền tảng giao đồ ăn có độ phủ rộng nhất khi có mặt tại 21 tỉnh thành trên cả nước. Lãnh đạo Baemin Việt Nam từng đánh giá môi trường giao đồ ăn tại Việt Nam “đầy thách thức” cùng sự cạnh tranh gay gắt và kỳ vọng cao của người tiêu dùng.

Có thể nói Xanh SM xuất hiện vào thời điểm khi những tên tuổi ban đầu như Grab, Gojek đã hoàn thành công việc giáo dục thị trường, người tiêu dùng đã quá quen thuộc với khái niệm gọi xe công nghệ. Đó là lợi thế của kẻ đến sau.

Không phải tốn quá nhiều tiền vào việc định hình xu hướng tiêu dùng của người dân, Xanh SM tập trung vào tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.

Một nhà đầu tư trao đổi trên Tech in Asia, mới đây cũng nhận giai đoạn chi mạnh cho các chương trình khuyến mãi để giành thị phần như của Grab đã kết thúc. Các “tân binh” gọi xe công nghệ khó lòng áp dụng chiến lược này, buộc họ phải tìm hướng đi khác biệt và tập trung vào những phân khúc cụ thể.

Phân tích câu chuyện của Xanh SM có thể thấy họ chọn tập trung chính vào nâng cao trải nghiệm khách hàng và bảo vệ môi trường với đội xe thuần điện. Trong đó, lợi thế nổi bật của Xanh SM chính là tài xế. 

Khác với các nền tảng gọi xe công nghệ khác khi sử dụng đối tác có xe bên ngoài, tài xế của Xanh SM là nhân viên công ty, được đào tạo kỹ càng về chất lượng phục vụ. Tài xế Xanh SM được hưởng lương và các chế độ phúc lợi khi trở thành nhân viên của hãng. Khi gia nhập Xanh SM, tài xế không cần thiết phải sở hữu xe khi được công ty cung cấp phương tiện hành nghề.

Xanh SM tự định hình hãng là một thương hiệu "linh hoạt" có thể là taxi công nghệ khi khách hàng đặt trên ứng dụng nhưng cũng là taxi truyền thống nếu có khách bắt/vẫy dọc đường.

Ngoài ra, Xanh SM là đơn vị duy nhất vận tải thuần điện, do đó hãng sẽ phần nào thu hút sự quan tâm của những khách hàng yêu và đề cao tính thân thiện với môi trường.

Đức Huy