|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Goldman Sachs: Năm 2022, nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt mức cao mới, giá có thể lên 100 USD/thùng

07:49 | 19/12/2021
Chia sẻ
Đại gia ngành ngân hàng Goldman Sachs dự đoán, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt mức cao mới trong năm 2022 và 2023. Theo đó, giá dầu thô có thể quay về mức 100 USD/thùng.

Nhu cầu nhất định phục hồi

Trong báo cáo triển vọng thị trường năng lượng thế giới mới nhất, Goldman Sachs dự đoán nhu cầu dầu mỏ của toàn thế giới sẽ chạm mức cao mới trong hai năm tới.

Theo ông Damien Courvalin, trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng của Goldman Sachs, nhu cầu dầu mỏ vốn đã ở mức kỷ lục trước khi giới khoa học phát hiện siêu biến chủng Omicron. Hơn nữa, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang tiếp tục phục hồi.

"Trước khi Omicron xuất hiện, chúng tôi nhận thấy nhu cầu dầu mỏ đã quay trở lại mức cao so với trước đại dịch. Đồng thời, nhu cầu nhiên liệu máy bay cũng tăng cao hơn và nền kinh tế thế giới nhìn chung vẫn đang khởi sắc", ông Courvalin nhấn mạnh.

"Cứ đà này, nhu cầu sẽ đạt mức kỷ lục mới vào năm 2022, và một lần nữa vào năm 2023", vị trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng của Goldman Sachs nhấn mạnh với CNBC.

Goldman Sachs: Năm 2022, nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt mức cao mới, giá có thể lên 100 USD/thùng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Trong những tháng gần đây, cả giá dầu Brent và dầu WTI đều đã tăng vọt lên trên 80 USD/thùng do nhu cầu vượt xa nguồn cung. Giá khí đốt tự nhiên tăng đột biến cũng gây ra khủng hoảng trên khắp thế giới, mà đáng chú ý nhất là tại châu Âu. Có thời điểm giá khí đốt tại châu Âu phi mã hơn 600%.

Tuy nhiên, biến chủng Omicron đã đè bẹp thị trường năng lượng trong vài tuần trở lại đây. Đặc biệt, ngay sau nhận định có phần kém lạc quan của CEO hãng dược Moderna, thị trường hàng hóa bị bán tháo nghiêm trọng.

Trong phiên 30/11, giá dầu Brent giảm đến 2,55% xuống còn 71,57 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tại Mỹ mất 2,42% xuống còn 68,26 USD/thùng. Hiện tại, giá dầu đã phục hồi phần nào, chủ yếu dao động quanh mức 70 USD/thùng.

Gần đây, du lịch hàng không đã chững lại phần nào do các nước châu Á - Thái Bình Dương như Australia, New Zealand và Singapore siết chặt chính sách chống dịch để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Dù vậy, ông Courvalin dự đoán những biện pháp hạn chế đi lại sẽ sớm được nới lỏng. "Chúng ta phải đợi làn sóng lây nhiễm này đi qua, và hoạt động du lịch quốc tế sẽ phục hồi hơn nữa trong năm tới".

Giá dầu lên hơn 100 USD/thùng

Ông Courvalin còn nói trong tương lai, giá dầu có thể quay trở về mức 100 USD/thùng thông qua "hai con đường".

Đầu tiên là chi phí sản xuất sẽ tăng lên khi các công ty dầu mỏ tăng cường sản lượng. "Lạm phát đang hình thành ở khắp mọi nơi trong nền kinh tế, lẽ dĩ nhiên lạm phát cũng xuất hiện trong lĩnh vực dầu mỏ", ông Courvalin giải thích.

Khả năng còn lại là nguồn cung không bắt kịp nhu cầu khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại sau đại dịch, vì không sớm thì muộn các nước sẽ phải gỡ bỏ phong tỏa cũng như các biện pháp hạn chế đi lại.

Vị chiến lược gia cấp cao của Goldman Sachs dự đoán thêm, giá dầu thô có thể lên tới 110 USD/thùng và gây ra hiện tượng nhu cầu lao dốc (demand destruction). JPMorgan cũng từng đưa ra cảnh báo tương tự, nhưng với mức giá dầu thô thấp hơn (khoảng 80 USD/thùng).

Demand destruction là hiện tượng nhu cầu đột ngột sụt giảm nghiêm trọng trong một thời gian nhắn do giá mặt hàng liên tục duy trì ở mức quá cao và tạo ra áp lực lạm phát lên nền kinh tế.

Liên minh OPEC+ thông báo, họ có thể nhóm họp sớm hơn lịch dự kiến là ngày 4/1/2021 nếu triển vọng nhu cầu thay đổi đáng kể. Theo nguồn tin của Reuters, OPEC+ dự tính sẽ bổ sung thêm 400.000 thùng dầu ra thị trường trong tháng 1 năm sau.

Hôm 13/12, OPEC đã nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới cho quý đầu tiên của năm 2022 và giữ nguyên mốc thời gian dự kiến để nhu cầu quay trở lại mức trước đại dịch. Tổ chức này cho biết biến thể Omicron sẽ có tác động "nhẹ" khi thế giới dần thích ứng với đại dịch COVID-19.

Cụ thể, trong báo cáo hàng tháng mới nhất, OPEC cho rằng nhu cầu dầu thế giới ở mức trung bình 99,13 triệu thùng/ngày trong quý I/2022, tăng 1,11 triệu thùng/ngày so với dự báo của tháng trước đó.

Khả Nhân

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.