Goldman Sachs: Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc sẽ mất nhiều năm để phục hồi
Các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs nhận định lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc dự kiến sẽ phải “vật lộn” với sự yếu kém kéo dài trong nhiều năm, trở thành yếu tố chính cản trở tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Trong báo cáo do Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ phát hành, các nhà phân tích chỉ ra rằng có những điểm yếu đặc biệt rõ rệt trong nền kinh tế của các địa phương và thành phố cấp thấp hơn.
Goldman Sachs ước tính tổng nợ công của Trung Quốc hiện vào khoảng 23.000 tỷ USD, bao gồm những khoản vay khó tất toán của hàng nghìn công ty tài chính do các chính quyền cấp tỉnh và thành phố cấp thấp lập nên.
Báo cáo viết các nhà hoạch định chính sách, những người đã tuyên bố sẽ không sử dụng lĩnh vực bất động sản như một đòn bẩy ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng, dường như đang cố gắng ngày càng phụ thuộc ít hơn về kinh tế và tài chính vào ngành mũi nhọn này.
Do đó, Goldman Sachs cho rằng lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ phục hồi theo hình chữ L trong những năm tới.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc trong hai năm qua đã bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng - ban đầu được kích hoạt bởi các động thái của Bắc Kinh nhằm kiềm chế tình trạng nợ nần - với ngày càng nhiều nhà phát triển tuyên bố vỡ nợ khi khi không thể huy động vốn mới hay bán thành công các căn hộ dự án.
Mặc dù chính quyền địa phương đã đưa ra rất nhiều biện pháp để hỗ trợ ngành bất động sản nội địa. Động thái dỡ bỏ các biện pháp hạn chế khắc nghiệt để chống lại dịch COVID -19 vào tháng 12/2022 đã giúp ích phần nào, nhưng tâm lý tích cực của nhà đầu tư đối với lĩnh vực này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Các nhà phân tích tin rằng ưu tiên chính sách của Bắc Kinh trong thời gian này là giải quyết tình trạng chậm tiến độ, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản hoàn thành các dự án chưa hoàn thiện, thay vì thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.
Goldman Sachs khuyến nghị Trung Quốc cần gia tăng nhiều biện pháp hơn để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, bao gồm nới lỏng hơn nữa các điều kiện tín dụng cho người mua nhà, cắt giảm thêm lãi suất thế chấp và tỷ lệ trả trước khoản thế chấp, cũng như nới lỏng hơn nữa các hạn chế đối với việc mua và bán lại nhà ở các thành phố lớn.