Gỡ bỏ 'rào cản' trì trệ về kinh doanh xăng dầu
'Siết' kinh doanh xăng dầu sau vụ 2 triệu lít xăng kém chất lượng | |
Ngăn ngừa gian lận thuế trong hoạt động kinh doanh xăng dầu |
Theo SGGP đưa tin, Sở Công thương đã trình UBND TP HCM dự thảo Quyết định về việc bãi bỏ một số quy định của UBND TP liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu (Quyết định 39/2007); việc sửa chữa, nâng cấp, xây dựng lại cửa hàng xăng dầu hiện hữu trên địa bàn trước đây (Quyết định 17/2017). Việc đề xuất bãi bỏ những quy định liên quan này nhằm phù hợp với Nghị định 08/2018 về kinh doanh xăng dầu, tạo điều kiện hoạt động thuận lợi cho doanh nghiệp. Các quy định đề xuất khi được bãi bỏ sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn trước đây. Đơn cử, không còn quy định về vị trí, diện tích tối thiểu; hay đối với việc cấp giấy chứng nhận cửa hàng xăng dầu đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, sẽ không xem xét về địa điểm phải phù hợp với quy hoạch hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu mà thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và các quy định khác có liên quan về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường…
Trước đó, ngày 15/01/2018 Chính phủ ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều quy định có liên quan đến cơ chế và điều kiện kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Nghị định 08/CP đã bãi bỏ một số điều, khoản của Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, bãi bỏ Điều 5 (quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu); khoản 6 Điều 7 (điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, bỏ điều kiện phù hợp với quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu); Điều 10 (điều kiện sản xuất xăng dầu); khoản 1 Điều 24 (điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu, bỏ điều kiện địa điểm phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt); khoản 5 Điều 41 (cơ sở kinh doanh xăng dầu hiện có chưa phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải thực hiện lộ trình nâng cấp, bảo đảm phù hợp quy hoạch theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đó).
Chính phủ cũng bãi bỏ một số nội dung tại Điều 7 về điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, bãi bỏ nội dung sau tại khoản 3. Sau 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu 51% đối với hệ thống kho, đủ đáp ứng tối thiểu 1/3 nhu cầu dự trữ của thương nhân quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định này". Bãi bỏ nội dung sau tại khoản 4. Sau 2 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu 51% đối với các phương tiện vận tải xăng dầu nội địa có tổng sức chứa tối thiểu là 3.000 m3. Bãi bỏ nội dung sau tại khoản 5. Mỗi năm, kể từ khi được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, phải sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu tối thiểu 4 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cho đến khi đạt tối thiểu 100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Với việc bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh xăng dầu tại Nghị định 08/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2018, được các doanh nghiệp đánh giá là bước cải cách trong công tác quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh và tham gia kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu.
Tuy nhiên, cần nói thêm rằng, NĐ số 08/CP mới chỉ bãi bỏ một số ít các quy định trong NĐ số 83/CP, những quy định còn lưu cữu lại vẫn là “rào cản” đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Liên quan đến vấn đề này, trong trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp VN, ông Phan Thế Ruệ (Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN – nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại) bày tỏ quan điểm: Bỏ hẳn Nghị NĐ 83 CP, thay bằng một Nghị định mới, phải thị trường hóa hoàn toàn, bởi vì có còn bao cấp nữa đâu…Chính sách của nhà nước mà chỉ phục vụ những "ông lớn" (Petrolimex, PV Oil...) là không đúng. Ông Phan Thế Thế Ruệ cho biết thêm: Khi xây dựng Nghị định 83/CP, Hiệp hội Xăng dầu VN tham gia rất nhiều những vấn đề bất hợp lý, nhưng các "ông lớn", lợi ích nhóm không tiếp thu?
Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN - trong cuộc phỏng vấn với PV Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam. |
Theo ông Phan Thế Ruệ, không lo mất an ninh năng lượng. Vì nay có hai nhà máy lọc dầu, nếu Nghi Sơn làm đủ công suất thì thừa còn phải xuất khẩu. Ông Ruệ dẫn chứng, nhà máy Bình Sơn 9 triệu tấn, nhà máy Nghi Sơn 12 triệu tấn, tổng là 21 triệu tấn, nhập khẩu năm nay còn 17 triệu. Ông Ruệ cho rằng, đừng quan điểm an ninh năng lượng như ngày xưa, dựa vào đấy để giữ quỹ bình ổn giá, để quyết định giá; NĐ 83 thực chất là Nhà nước quy định giá, giá cơ sở, phí nhà nước quy định, thuế nhà nước quyết định, nhà nước quyết định hết, đây là câu chuyện cần phải thay đổi toàn bộ.
Ông Phan Thế Ruệ phản ánh: “Hiện vẫn còn một số bất cập về cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa tạo điều kiện tốt để thị trường xăng dầu phát triển. Chênh lệch thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt giữa xăng khoáng ORON92 dùng để pha chế xăng E5 (10%) với thuế suất thuế TTĐB đầu ra của xăng E5 (8%) khiến các DN kinh doanh xăng dầu phát sinh số thuế chưa được khấu trừ rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực tài chính của DN. Các quy định trong Nghị định 83/CP không còn phù hợp với tình hình thực tiễn cần phải sửa đổi để tạo cơ chế thông thoáng, minh bạch hơn, giúp các DN kinh doanh xăng dầu cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng hơn.
Về phía nhà nước cần tập trung xử lý những kiến nghị của DN xăng dầu trong chính sách thuế cho phù hợp, không gây khó khăn về mặt tài chính và điều kiện kinh doanh đối với cộng đồng DN xăng dầu. Điều này đã được Hiệp hội Xăng dầu VN kiến nghị với Bộ Tài chính, Bộ Công thương từ rất lâu nhưng đến nay chưa được giải quyết”.