Các startup mạng xã hội mọc lên như nấm nuôi tham vọng thế chân Facebook giữa lúc ông trùm trên đà suy yếu
Elon Musk không phải người duy nhất muốn “sửa chữa” không gian mạng xã hội. Ngày càng có nhiều startup cũng muốn làm điều này. Không ít startup được tạo ra từ kinh nghiệm của các nhà sáng lập vốn có từng làm việc cho Facebook.
Gần một thập niên trước, ông Neeraj Arora, khi đó là người đồng sáng lập WhatsApp, đã giúp thương thảo thương vụ 22 tỷ USD giữa WhatsApp và Facebook.
Thế nhưng, khi đầu quân cho Facebook, ông Arora chán nản khi thấy công ty phụ thuộc quá nhiều vào quản cáo trực tuyến, trong khi đó lãnh đạo quá tập trung vào cạnh tranh và tăng trưởng thay vì cải tiến sản phẩm. “Họ không phát triển tập trung vào người dùng”, ông Arora chia sẻ. Ông rời Facebook vào năm 2018.
Hiện tại, ông Arora và Michael Donohue, một cựu nhân sự WhatsApp, đang tiếp tục khai thác mảng mạng xã hội với startup hai năm tuổi HalloApp. Tuy nhiên, lần này, hai người không tập trung vào tối đa thời gian người dùng sử dụng ứng dụng hoặc thúc đẩy người dùng mở rộng mạng lưới trực tuyến nhất có thể để thu hút các nhà quảng cáo.
Thay vì quảng cáo, HalloApp lên kế hoạch thu phí đăng ký sử dụng của người dùng. Các nhóm bên trong ứng dụng này có dung lượng tối đa 50 người. “Bạn sẽ không muốn tăng trưởng quá nhanh đến mức đánh mất chính mình”, ông Arora nói.
HalloApp là một trong những startup đang muốn giải quyết vấn đề của mạng xã hội. Dù vậy, cách để định nghĩa các vấn đề này vẫn là một điều gây tranh cãi.
Một số startup nói rằng thiết kế sản phẩm nên được quan tâm nhiều như vấn đề quyết định nội dung. Tại HalloApp, các nhà sáng lập tin rằng việc giới hạn số lượng thành viên tối đa của các nhóm có thể làm giảm bớt nguy cơ lạm dụng.
Một số nền tảng như Parler và Truth Social thì cho rằng người dùng nên có quyền được phát ngôn tự do hơn thông qua việc có ít quy định về nội dung hơn. Một số công ty nói rằng cần một sự kết hợp giữa chính sách nội dung mạnh mẽ và thiết kế sản phẩm để các thảo luận trên mạng xã hội nhân văn hơn.
Tháng trước, Elon Musk công bố mua Twitter trong thương vụ có giá 44 tỷ USD, một phần để ông có thể nới lỏng các quy định về nội dung và khuyến khích tự do ngôn luận.
Áp lực cạnh tranh tăng mạnh trong bối cảnh Meta, công ty mẹ của Facebook, phải đối mặt với hàng loạt thách thức chưa từng có. Giá cổ phiếu của Meta giảm mạnh trong năm nay giữa lúc mảng quảng cáo trực tuyến chịu ảnh hưởng nặng nề khi Apple giới hạn khả năng thu thập dữ liệu người dùng.
Meta cũng đồng thời đang bị điều tra với cáo buộc chống độc quyền. Hậu quả của cuộc điều tra có thể là việc Meta bị hạn chế thực hiện thâu tóm các đối thủ nhỏ hơn, chiến lược đã giúp nó thành công trong quá khứ.
“Chúng tôi luôn đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ và đây là điều tích cực. Nó thúc ép chúng chúng tôi sáng tạo, tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho người dùng và tập trung vào việc tạo ra sản phẩm tốt nhất thế giới”, một người phát ngôn của Meta nói.
Bất kỳ công ty nào muốn tham gia vào mảng mạn xã hội hiện tại đều gặp nhiều khó khăn ở một ngành không ghi nhận câu chuyện nào thành công thực sự nào trong nhiều năm. TikTok, ứng dụng “hot” ở thời điểm này, cũng được hỗ trợ bởi những đầu tư lớn từ công ty mẹ, ByteDance.
Nhiều công ty muốn tái định hình mạng xã hội hiện tại lại nhìn nhận quy mô nhỏ là vấn đề mấu chốt. Họ cho biết họ không đối đầu trực tiếp với sự đầy đủ về tính năng hay quy mô toàn cầu của Facebook.
“Kỷ nguyên của các ông lớn đang kết thúc”, Eli Pariser, đồng giám đốc của New Public, một nền tảng phi lợi nhuận mong muốn tạo ra không gian online cho các cuộc trò chuyện lành mạnh, nói.
Ông Pariser nói thêm rằng New Public được xây dựng dựa trên ý tưởng người dùng ngày càng thích các diễn đàn nhỏ hơn và riêng tư hơn. Một người đồng giám đốc khác của New Public là Deepti Doshi, người đã từng có có 7 năm làm việc tại Facebook.
Nhiều người sáng lập startup xuất thân từ Facebook nói rằng quy mô của mạng xã hội này đang trở thành một gánh nặng.
“Tôi cho rằng quy mô là vấn đề đầu tiên”, Rob Ennals, một cựu giám đốc sản phẩm tại Facebook, nói. Nhiệm vụ của ông ở Facebook là khiến các cuộc trò chuyện lành mạnh hơn. “Mọi thứ đổ vỡ khi quy mô quá lớn. Chúng tôi chưa thực sự nghĩ ra được cách thiết kế sản phẩm ở quy mô lớn”.
Ở không gian online, ví dụ như Facebook, các nhóm trò chuyện thường bị “thống trị” bởi một số người dùng nổi tiếng. Những người này chia sẻ nhiều đến mức nhấn chìm chia sẻ của các người dùng còn lại, ông Ennals nói thêm.
Sau khi rời Facebook vào năm 2018, ông Ennals tạo ra một dịch vụ có tên Talkwell để “cải cách” cách ngừười dùng tranh luận trực tuyến. Ở Talkwell, nội dung của người dùng được ẩn phía sau biểu tượng người dùng, bất kể họ thường xuyên đăng bài như thế nào. Thiết kế này theo lý thuyết ngăn được việc một người dùng chiếm trọn cuộc thảo luận.
Một số dịch vụ khác thì loại bỏ các tính năng quen thuộc nhưng dễ bị lạm dụng. Somewhere Good, một nền tảng thảo luận qua âm thanh, không cho phép người dùng gửi tin nhắn trực tiếp hoặc theo dõi nhau để hạn chế lạm dụng và so sánh xã hội.
Người dùng vi phạm quy định cần nói chuyện với một “điều phối viên mâu thuẫn” và đọc tài liệu để hiểu rõ vì sao cách cư xử của họ có vấn đề trước khi có thể đăng bài trở lại.
Trung tâm sự hấp dẫn của HalloApp là việc nó không phụ thuộc vào quảng cáo, những người đồng sáng lập ứng dụng này chia sẻ. Người dùng chỉ kết nối được với những người có trong danh bạ của họ. Các bài đăng thì biến mất sau 30 ngày và tin nhắn được mã hoá.
Các nhà sáng lập cho rằng thiết kế của HalloApp không ngăn việc thông tin sai lệch bị chia sẻ song quy mô nhỏ khiến điều này khó được thực hiện hơn.