Giữa bão sa thải nhân sự ngành công nghệ, có một công việc vẫn trong 'vùng an toàn'
Những nỗi lo về sự đi xuống của nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn trong năm 2023, vì vậy làn sóng sa thải nhân sự, vốn đã diễn ra trên toàn cầu trong năm 2022, được dự báo sẽ chưa dừng lại, theo CNBC Make It.
Tuy nhiên, có một lĩnh vực dường như tương đối an toàn, dựa trên những khảo sát ở thời điểm hiện tại. Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng việc làm về lĩnh vực an ninh mạng thậm chí có thể tăng lên trong thời kỳ kinh tế hỗn loạn.
Các chuyên gia an ninh mạng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro bị tấn công mạng, đặc biệt là trong thời kỳ bất ổn tài chính, các chuyên gia nói với CNBC Make It.
Daljit Sall, tổng giám đốc công nghệ của Randstad Singapore cho biết: “Một số tổ chức có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn trong thời kỳ suy thoái vì họ có ít nguồn lực hơn. Việc phải đối mặt với các cuộc tấn công an ninh mạng có thể khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại về mặt tài chính, chẳng hạn như việc phải trả tiền để tránh một cuộc tấn công bằng mã độc”.
Kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho thấy rằng một nhóm tài năng liên quan tới lĩnh vực an ninh mạng sẽ ít có khả năng bị sa thải nhất, nếu các công ty quyết định cắt giảm số lượng nhân viên.
Trong nghiên cứu của ISC2 đối với 1.000 giám đốc điều hành của C-suite ở 5 quốc gia gồm Đức, Nhật Bản, Singapore, Anh và Mỹ, gần một nửa cho biết họ "rất có thể" sẽ phải sa thải nhân viên trong năm nay do dự đoán một cuộc suy thoái kinh tế có thể xảy ra. Tuy nhiên, chỉ có 10% tổ chức có khả năng cắt giảm việc làm trong lĩnh vực an ninh mạng, so với mức trung bình 20% ở các lĩnh vực khác.
ISC2, một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu và là hiệp hội lớn nhất của các chuyên gia an ninh mạng được chứng nhận, cho biết tại Singapore, 68% tổ chức tin rằng việc sa thải nhân viên là điều cần thiết khi nền kinh tế chậm lại. Dù vậy, chỉ 15% tổ chức có khả năng cắt giảm việc làm trong lĩnh vực an ninh mạng, so với các lĩnh vực khác như nhân lực (32%) và tiếp thị (28%).
Tại sao an ninh mạng sẽ vượt qua suy thoái kinh tế?
Dữ liệu từ Jobs on the Rise mới nhất của LinkedIn cho thấy các kỹ sư an ninh mạng và chuyên gia tư vấn an ninh mạng là một trong những vai trò có nhu cầu cao nhất ở Singapore trong năm nay.
Daljit Sall cũng đồng ý với điều này, cho biết vai trò an ninh mạng ở Singapore và trên toàn cầu đã tăng lên trong những năm gần đây do “sự chuyển đổi kỹ thuật số” trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Pooja Chhabria, trưởng ban biên tập khu vực châu Á-Thái Bình Dương của LinkedIn cho biết, nguy cơ gia tăng các mối đe dọa trên mạng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu cao hơn đối với các chuyên gia an ninh mạng.
“Nhu cầu đối với những vai trò này có thể sẽ tăng lên khi mức độ phức tạp của các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng về quy mô và phạm vi. Nhu cầu về các chuyên gia an ninh mạng có thể xác định và ngăn chặn các cuộc tấn công này sẽ trở nên tối quan trọng”, Pooja chia sẻ.
Số lượng cuộc tấn công mạng đã gia tăng trong những năm gần đây do các vấn đề chính trị và xu hướng làm việc từ xa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ví dụ: Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, các cuộc tấn công mạng nhằm vào địa chỉ email của các doanh nghiệp có trụ sở tại châu Âu và Mỹ đã tăng gấp 8 lần, theo một báo cáo năm 2023.
Đây là lý do 42% công ty được khảo sát cho biết họ dự đoán sẽ tăng nhân sự cho bộ phận an ninh mạng, tỷ lệ cao nhất trong số tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp, bất chấp những khó khăn về kinh tế, ISC2 cho biết thêm.
Tuy nhiên, lĩnh vực an ninh mạng cũng không tránh khỏi việc đối mặt với các vấn đề. Một cuộc khảo sát của Citi vào tháng 11/2022 đối với các quan chức công nghệ hàng đầu cho thấy họ dự kiến ngân sách cho mảng công nghệ thông tin chỉ tăng 1,8% trong 12 tháng tới, qua đó tiếp tục xu hướng giảm kể từ mức tăng 5,6% vào tháng 9/2021.
Dù vậy, an ninh mạng vẫn là “ưu tiên hàng đầu với biên độ lớn” trong ngân sách dành cho lĩnh vực công nghệ thông tin, Citi cho biết thêm.
Cơ hội cho nhân viên công nghệ bị sa thải
ISC2 cho biết những nhân viên công nghệ bị ảnh hưởng bởi các đợt sa thải gần đây cũng có thể trở thành những người được hưởng lợi từ việc tăng mức độ ưu tiên cho lĩnh vực an ninh mạng. Những gã khổng lồ công nghệ như Meta, Amazon, Google và Microsoft, cùng với các công ty từ Salesforce đến Zoom, đã tuyên bố cắt giảm việc làm trong vài tuần qua.
ISC2 cho biết: “Có thể nhiều người trong số những cá nhân đó sẽ tìm thấy cơ hội theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực an ninh mạng, nơi họ có thể áp dụng các kỹ năng và kiến thức chuyên môn liên quan”.
Chhabria của LinkedIn cho biết trong số những người đã chuyển từ công việc khác sang kỹ sư an ninh mạng, hai công việc cũ được nhiều người làm nhất là kỹ sư phần mềm và kỹ sư hệ thống. Theo một báo cáo khác của ISC2, các nhà tuyển dụng cũng được phát hiện đã tuyển dụng kỹ sư an ninh mạng từ “các bộ phận khác”, chẳng hạn như dịch vụ khách hàng, truyền thông và nhân sự.
“Điều này phần lớn là do tư duy thay đổi từ việc chỉ tập trung vào các kỹ năng kỹ thuật sang tuyển dụng những người có năng lực phi kỹ thuật giúp ai đó thành công trong lĩnh vực này, sau đó đào tạo để xây dựng các kỹ năng kỹ thuật”, Clar Rosso, CEO ISC2 nói.
“An ninh mạng là một nghề mà việc giải quyết vấn đề và quản lý rủi ro là rất quan trọng. Những cá nhân có thể cộng tác hiệu quả với nhiều nhóm khác nhau, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, giao tiếp hiệu quả,… sẽ tiến xa trong nghề này”, ông nói thêm