Giữ giá tiền đồng để bảo vệ doanh nghiệp nội địa?
Doanh nghiệp nội thâm hụt lớn
Trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3 so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 24,61 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 9,56 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, việc thặng dư tới hơn 24 tỷ USD theo các chuyên gia lại không phải là tín hiệu hoàn toàn tích cực bởi trong số 24,61 tỷ USD xuất siêu này này khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,99 tỷ USD còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu tới 42,6 tỷ USD.
Nguyên nhân là các doanh nghiệp nội địa chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, chỉ một tỷ trọng nhỏ để xuất khẩu còn phần lớn hàng hoá xuất khẩu lại đến từ khu vực FDI.
Hiện khu vực FDI đang chiếm tới gần 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu còn khu vực trong nước chỉ chiếm khoảng 1/4 nên khi VND mất giá nhóm doanh nghiệp nội địa sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn là hưởng lợi.
Giữ giá tiền đồng bảo vệ doanh nghiệp nội địa
Theo các chuyên gia, mặc dù cán cân thương mại thặng dư tới hơn 24 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2023 nhưng các doanh nghiệp nội địa chủ yếu vẫn nhập siêu rất lớn, thâm hụt hàng chục tỷ USD. Vì vậy, nếu để VND mất giá quá sâu sẽ khiến doanh nghiệp nội càng thêm khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng: "Nếu để tiền đồng mất giá quá sâu không chỉ ảnh hưởng là đến kinh tế vĩ mô, lạm phát mà còn là vấn đề dòng tiền và bản thân doanh nghiệp nội địa sẽ rất khó khăn."
"Cách đây vài tháng đã có lúc VND mất giá đến 4,4%, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp để mất giá tiền đồng không quá 3,5%. Mức này đủ để tăng tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, tháo gỡ đầu ra của doanh nghiệp nhưng không thể để VND mất giá quá sâu bởi sẽ tác động ngược trở lại đến nhóm doanh nghiệp nhập khẩu", ông Thành đánh giá.
Theo ông, việc giữ VND mất giá không quá sâu sẽ để giữ cho ổn định của hệ thống ngân hàng, đảm bảo thanh khoản và bảo vệ doanh nghiệp nội địa bởi trong nhiều điều kiện các doanh nghiệp nội đã gặp khó khăn hơn doanh nghiệp FDI.
Vấn đề này cũng từng được chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đưa ra. Theo ông, trong bối cảnh lãi suất cho vay cao doanh nghiệp nội sẽ càng khó cạnh tranh với doanh nghiệp FDI khi đa phần các doanh nghiệp nước ngoài sẽ vay tín dụng quốc tế và chịu lãi suất thấp hơn doanh nghiệp trong nước.
"Thử hỏi doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với doanh nghiệp Mỹ, châu Âu trong bối cảnh chi phí tài chính cao như vậy thì họ có chịu được không?", ông Nghĩa đặt vấn đề.
Điều này có nghĩa là doanh nghiệp Việt đang bị đẩy lùi, nhường chỗ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên chính thị trường nội địa, bởi các doanh nghiệp FDI họ không phải chịu lãi suất từ hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông Nghĩa chỉ ra.
Dù vậy, các chuyên gia đánh giá rất cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước khi liên tiếp giảm chính sách điều hành kể từ quý II. Tuy nhiên, đến nay đã rất khó để giảm thêm lãi suất điều hành. Các chuyên gia dự báo từ nay đến đầu 2024, hạ lãi suất điều hành sẽ rất khó khăn, nguyên nhân không nằm ở lạm phát mà vấn đề cơ bản là áp lực về tỷ giá.
"Lạm phát hiện nay khá ổn và ngay kể cả năm tới, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4,4% cũng có thể du di thêm một chút để tạo dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng. Nhưng với tỷ giá, chúng ta chỉ có thể chấp nhận mức độ mất giá khoảng 3 - 3,5%", TS. Võ Trí Thành dự báo.
Về vấn đề lãi suất, ông Thành dự báo lãi suất cho vay sẽ giảm dần từ nay đến đầu năm sau bởi động thái giảm lãi suất điều hành cần thời gian để thẩm thấu vào nền kinh tế và lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại giai đoạn cuối năm ngoái, đầu năm nay rất cao nên nếu hạ ngay sẽ lỗ nặng.