|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giới startup Đông Nam Á đang trải qua giai đoạn 'mùa đông gọi vốn' khi những ông lớn như Grab và GoTo hụt hơi

07:11 | 07/06/2023
Chia sẻ
Việc những công ty hàng đầu tại Đông Nam Á như Grab và GoTo (công ty mẹ Gojek) chứng kiến giá cổ phiếu đi xuống kể từ khi IPO khiến các nhà đầu tư có cái nhìn không mấy tích cực đối với các startup non trẻ trong khu vực.

Nguồn vốn cho các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đang trải qua giai đoạn nửa năm tồi tệ nhất kể từ trước đại dịch, khi các nhà đầu tư mạo hiểm giảm quy mô định giá của họ đối với các công ty non trẻ, theo Asia Nikkei.

Lãi suất toàn cầu tăng cao và hoạt động kinh doanh chậm lại của những gã khổng lồ công nghệ đã niêm yết như Grab của Singapore và GoTo của Indonesia đang đè nặng lên việc định giá các công ty non trẻ cũng như tâm lý nhà đầu tư.

Tính đến ngày 31/5, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup ở Đông Nam Á từ đầu năm đạt 4 tỷ USD, giảm 65% so với 6 tháng đầu năm 2022, theo công ty dữ liệu đầu tư Preqin có trụ sở tại Vương quốc Anh. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ nửa cuối năm 2019. Vốn đầu tư vào Indonesia và Singapore đã giảm lần lượt 70% và 65% từ đầu năm.

Các startup ở Đông Nam Á đang trải qua giai đoạn "mùa đông gọi vốn". (Nguồn: Asia Nikkei).

Martin Tang, đối tác tại Genesis Alternative Ventures cho biết: “Với triển vọng kinh tế khó khăn hơn, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đã chuyển trọng tâm từ cấp vốn cho các giao dịch mới sang quản lý danh mục đầu tư cũ”.

Sự thoái lui đặc biệt rõ ràng đối với các nhà đầu tư có trụ sở tại Mỹ, những người đã đổ tiền vào khu vực này trong thời kỳ đại dịch nhưng đã trở nên thận trọng hơn khi lãi suất cao hơn, qua đó làm giảm mức định giá của các cổ phiếu tăng trưởng và hạn chế lối thoát cho các nhà đầu tư khởi nghiệp.

Đối với các quốc gia tại Đông Nam Á, hoạt động kém hiệu quả của các công ty công nghệ trong khu vực đã ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng tài trợ cho các công ty khởi nghiệp của các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Grab và GoTo (công ty mẹ Gojek) khiến các nhà đầu tư lo lắng khi báo cáo rằng tốc độ tăng trưởng giao dịch của họ trong ba tháng đầu năm đang chậm lại, qua đó phá vỡ chuỗi tăng trưởng hai con số kể từ khi lên sàn.

Giá cổ phiếu Grab đã giảm gần 15% trong phiên giao dịch ngày 18/5 sau khi công ty cho biết tổng giá trị hàng hóa của họ - tổng giá trị giao dịch được thực hiện thông qua nền tảng của họ - chỉ tăng 3% lên 4,95 tỷ USD. Trong khi đó, GoTo cho biết vào tháng 4 rằng tổng giá trị giao dịch của họ cũng chỉ tăng 6%.

Giá cổ phiếu Grab giảm kể từ khi IPO. (Nguồn: Asia Nikkei).

Khoản lỗ ròng của Grab đã giảm 43% xuống còn 250 triệu USD trong quý I do hãng này cắt giảm các chương trình khuyến mãi. GoTo cũng chứng kiến khoản lỗ ròng giảm 41% xuống còn 3.890 tỷ rupiah (260 triệu USD) do giảm số lượng nhân sự và các ưu đãi cho người bán cũng như người dùng.

“Họ đã được yêu cầu cắt lỗ và họ đang cắt lỗ”, một trong những nhà đầu tư của Grab cho biết. "Tuy nhiên, dường như các nhà đầu tư muốn họ kiếm được lợi nhuận trong khung thời gian ngắn hơn nhiều mà không phải hy sinh tốc độ tăng trưởng giao dịch. Điều đó khá khó".

Ryu Muramatsu, đối tác sáng lập của GMO Venture Partners cho biết sự chậm lại của các công ty dẫn đầu trong ngành đang có "tác động đáng kể" đến việc định giá các công ty khởi nghiệp chưa niêm yết, làm giảm triển vọng của họ trong mắt các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư giai đoạn đầu thường so sánh việc định giá các khoản mua lại tiềm năng với các công ty tương đương, bao gồm cả các công ty niêm yết. Giờ đây, khi định giá của các công ty công nghệ như Grab và GoTo đã giảm hơn một nửa kể từ khi chào bán lần đầu ra công chúng trong hơn một năm rưỡi qua, các quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ có thể mong đợi một lối thoát với mức định giá thấp hơn nhiều, làm giảm lợi nhuận.

Đặc biệt, các công ty khởi nghiệp đã gây quỹ với mức định giá cao hơn đang cảm thấy khó khăn. Trong số 195 giao dịch tính đến tháng 3 năm nay, chỉ có 5 giao dịch huy động được trên 50 triệu USD, theo DealStreetAsia, giảm 75% so với cùng kỳ năm trước.

Vishal Harnal, đối tác quản lý toàn cầu tại 500 Global, cho biết định giá của các vòng cấp vốn sau này đã giảm do kỳ vọng của nhà đầu tư thay đổi. Ông nói: “Các nhà đầu tư có cái nhìn sâu sắc hơn về tính bền vững tài chính của các công ty khởi nghiệp”.

Các công ty khởi nghiệp ở Indonesia, bao gồm cả những công ty được thành lập ở Singapore, là những công ty gây quỹ thành công nhất ở Đông Nam Á trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Vào cuối năm 2021, công ty khởi nghiệp chuyển phát nhanh J&T Express của Indonesia đã huy động được 2,5 tỷ USD từ Sequoia Capital China, Tencent Holdings và các công ty khác, trong khi GoTo huy động được hơn 1,3 tỷ USD từ các nhà đầu tư trước đợt IPO vào tháng 4/ 2022.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các quỹ chéo, đầu tư vào cả cổ phiếu công và tư, đều bị thu hút bởi câu chuyện nhân khẩu học tại Đông Nam Á. Bên cạnh các giao dịch lớn của các công ty ở giai đoạn cuối, giá trị giao dịch tổng thể cho các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu đã tăng lên.

Chua Kee Lock, CEO Vertex Holdings do Temasek hậu thuẫn cho biết: “Các nhà đầu tư mạo hiểm không có hoặc có ít kinh nghiệm về đầu tư công nghệ trong giai đoạn hưng thịnh quá mức này đã đầu tư với tốc độ vội vàng mà ít quan tâm đến việc định giá”.

Tuy nhiên, cơ hội kiếm lời ngày càng giảm tiếp tục làm ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Kerrine Koh, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á tại Hamilton Lane, một công ty quản lý đầu tư thay thế, dự kiến các điều kiện tài trợ sẽ "vẫn chặt chẽ trong thời gian còn lại của năm 2023".

Anh Nguyễn

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.