Hai ông lớn công nghệ Đông Nam Á Grab và Sea cắt lỗ bằng cách nào?
Thời gian vừa qua là giai đoạn mà ngành công nghệ trên toàn cầu chứng kiến sự đi xuống chung. Hàng loạt ông lớn công nghệ như Microsoft, Meta (công ty mẹ Facebook), Amazon,… đã phải thực hiện các biện pháp nhằm tiết kiệm chi phí cũng như hướng đến một năm hoạt động hiệu quả.
Cùng chung xu hướng với các doanh nghiệp trên, các công ty công nghệ hàng đầu khu vực Đông Nam Á cũng rơi vào tình trạng tương tự. Dù vậy, giữa những khó khăn chung của ngành, vẫn có một số cái tên dường như đã tìm ra cách để đi ngược xu hướng đó, tiêu biểu là Grab và Sea (công ty mẹ Shopee và Garena).
Sea cắt giảm nhân sự, cắt lương lãnh đạo,… để giúp công ty báo lãi quý thứ hai liên tiếp
Vừa qua, ông lớn công nghệ Sea Group có trụ sở tại Singapore, công ty mẹ của sàn TMĐT Shopee và nhà phát hành game Garena đã công bố báo cáo tài chính quý I với khoản thu nhập ròng 87,3 triệu USD, theo thông từ Tech in Asia.
Điều này đánh dấu sự phục hồi đáng kể từ khoản lỗ ròng 580,1 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này thể hiện mức giảm 80% so với quý IV/2022, cho thấy Sea cần thực hiện các biện pháp quan trọng hơn để thực sự thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Công ty công nghệ hàng đầu Đông Nam Á này đã công bố doanh thu quý I tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 3 tỷ USD. Đóng góp chính cho sự tăng trưởng này của Sea Group là đơn vị thương mại điện tử Shopee, đơn vị đã thu về mức doanh thu 2,1 tỷ USD trong ba tháng đầu năm.
Trước đó, công ty mẹ Shopee đã có lần đầu tiên báo lãi, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực lội ngược dòng của gã khổng lồ thương mại điện tử và trò chơi Đông Nam Á.
Công ty có trụ sở ở Singapore công bố mức lợi nhuận ròng là 426,8 triệu USD trong quý IV/2022, điều này có được là nhờ quyết tâm cắt giảm chi phí mạnh mẽ. Tăng trưởng doanh thu của Sea có chậm lại đáng kể, nhưng vẫn vượt ước tính, tăng 7,1% lên 3,5 tỷ USD.
Để đi ngược xu hướng, liên tục báo lãi trong bối cảnh toàn ngành công nghệ gặp khó khăn, công ty mẹ Shopee đã phải trả qua một giai đoạn tiết kiệm nguồn lực mà theo miêu tả của nhà đồng sáng lập Forrest Li là “khắc nghiệt”.
Công ty đã sa thải khoảng hơn 7.500 nhân viên, tương đương khoảng 10% lực lượng lao động, mặc dù Sea từ chối tiết lộ con số thực tế. Ngoài ra, ban lãnh đạo công ty cũng đã từ bỏ hoàn toàn khoản lương mà họ được nhận.
Các chuyến bay hạng thương gia cho lãnh đạo khi đi công tác đã bị cấm, thay vào đó là các chuyến bay hạng phổ thông. Chi phí ăn uống hàng ngày được giới hạn ở mức 30 USD, khách sạn ở mức 150 USD/đêm. Đồ ăn nhẹ cũng biến mất khỏi văn phòng. Sea đã thay thế thương hiệu trà cao cấp địa phương TWG bằng Lipton. Thậm chí, nhiều phòng vệ sinh ở công ty đã thay giấy hai lớp bằng các loại giấy một lớp.
“Chúng tôi quan tâm đến từng xu. Bạn có thể có ước mơ và hoài bão lớn, nhưng nếu bạn không thể sống sót thì sao? Trong đầu bạn khi đó luôn văng vẳng một câu nói: “Chúng ta sắp hết tiền”, ông Forrest Li chia sẻ.
Những biện pháp tiết kiệm chi phí khắt khe của tỷ phú người Singapore đã được đền đáp. Vào tháng 3, Sea đã có lần đầu báo lãi trong một quý. Giá cổ phiếu công ty lập tức tăng vọt 22%. Tuần trước, Sea đã thông báo sẽ tăng lương thêm 5% so với mức lương hiện tại cho hầu hết nhân viên. Giá trị vốn hóa thị trường công ty hiện đã tăng gấp đôi so với tháng 11/2022.
Từng có thời điểm Sea tự hào rằng họ có thể cung cấp cho nhân viên loại trà hảo hạng nhất ở Singapore, những đặc quyền tương xứng với những người làm việc tại Amazon, một trong những công ty lớn nhất thế giới.
Giờ đây, tỷ phú Forrest Li dường như muốn phá vỡ suy nghĩ đó. Sea phải quản lý chi phí một cách chặt chẽ hơn. Tỷ phú Forrest Li chia sẻ: “Chúng tôi sẽ liên tục giảm chi phí. Nó không chỉ để tiết kiệm mà còn để điều hành doanh nghiệp hiệu quả hơn. Đây sẽ là chế độ dài hạn cho chúng tôi”.
Grab đóng băng tuyển dụng, mở rộng sang mảng kinh doanh khác
Tương tự, dù chưa thể báo lãi như Sea, song một công ty công nghệ hàng đầu Đông Nam Á khác là siêu ứng dụng Grab có trụ sở tại Singapore cũng đã tiếp tục thu hẹp khoản lỗ của mình.
Công ty có trụ sở tại Singapore và đang niêm yết trên sàn Nasdaq vào ngày 18/5 đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với khoản lỗ ròng 250 triệu USD, thu hẹp 43% so với khoản lỗ 435 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc điều hành Grab, ông Anthony Tan cho biết: “Trong quý I, chúng tôi đã báo cáo một loạt kết quả vững chắc khác, phản ánh sự tập trung có kỷ luật của chúng tôi để thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận bền vững”.
Tổng doanh thu của tập đoàn đạt 525 triệu USD trong ba tháng đầu năm, tăng 130% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh gọi xe cốt lõi của Grab đã tăng 72% trong quý I so với cùng kỳ năm trước lên 194 triệu USD khi công ty tuyển dụng thêm nhiều tài xế trên toàn khu vực và hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu của khách du lịch sau đại dịch COVID-19.
Dù vậy, Grab không thực hiện chiến lược căt giảm nhân sự như công ty mẹ Shopee trong nỗ lực thu hẹp khoản lỗ. Thay vào đó, siêu ứng dụng có trụ sở tại Singapore đã theo đuổi chiến lược “thắt lưng buộc bụng”, bao gồm đóng băng tuyển dụng ở hầu hết vị trí, không tăng lương với các lãnh đạo cấp cao và cắt giảm 20% ngân sách đi lại cùng các chi phí khác, theo Reuters. Người phát ngôn của Grab sau đó đã xác nhận điều này với Reuters.
Ngoài ra, bên cạnh dịch vụ gọi xe công nghệ là lĩnh vực cốt lõi, Grab cũng đã mở rộng hoạt động sang một số lĩnh vực khác. Chẳng hạn, Grab mới đây đã công bố các cải tiến và quan hệ đối tác mới về lĩnh vực du lịch trong ứng dụng của mình nhằm mang đến cho khách du lịch trải nghiệm an toàn, liền mạch và “bản địa hóa” khi khu vực Đông Nam Á chào đón sự trở lại của du khách quốc tế sau đại dịch COVID-19.
Grab đã chứng kiến sự phục hồi ổn định về số lượng khách du lịch, với số lượng chuyến xe đến và đi từ các sân bay trong khu vực Đông Nam Á tăng gấp ba lần trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 12/2022.
"Chúng tôi muốn đi đầu trong việc hồi sinh ngành du lịch ở Đông Nam Á, chào đón du khách quay trở lại khu vực với trải nghiệm Grab nâng cao được thiết kế để giúp họ đi lại dễ dàng và yên tâm hơn”, Russell Cohen, Giám đốc vận hành Grab chia sẻ.
"Không ai hiểu rõ về Đông Nam Á như chúng tôi, và mục tiêu của chúng tôi không chỉ là mang đến trải nghiệm di chuyển liền mạch và an toàn nhất mà còn khuyến khích khách du lịch khám phá sự phong phú của Đông Nam Á như một người dân địa phương thông qua các dịch vụ trong siêu ứng dụng của chúng tôi”.