Giới kinh doanh Mỹ vẫn ưu tiên thị trường Trung Quốc?
Biểu tượng Huawei. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN |
Theo đó, hơn một nửa trong số tất cả các công ty xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài có kế hoạch tăng sự hiện diện của họ tại thị trường Trung Quốc, bất chấp những phát ngôn cứng rắn từ phía chính quyền Mỹ.
Số liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, trong số 1.205 công ty tham gia khảo sát, có 40% công ty Mỹ nêu danh Trung Quốc là thị trường chính mà họ có kế hoạch tăng doanh số bán sản phẩm và dịch vụ trong những năm tới. Mặc dù Mỹ đã không cử một quan chức cấp cao nào đến Triển lãm Xuất khẩu Quốc tế Trung Quốc lần thứ I ở Thượng Hải, viện cớ có những khác biệt cơ bản trong các vấn đề thương mại và chính sách công nghiệp giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, tại sự kiện này, Mỹ đứng thứ 3 về số lượng các công ty tham gia sự kiện. Trong hơn 130 gian hàng của các doanh nghiệp Mỹ, 500 loại sản phẩm khác nhau được trình bày giới thiệu.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng đối với các nước đồng minh của Mỹ. 39% các công ty ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được HSBC khảo sát cũng gọi Trung Quốc là thị trường ưu tiên.
Bức tranh tương tự cũng thể hiện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 91% các công ty Malaysia không thể tồn tại mà không có thị trường Trung Quốc. Ngay cả ở Australia, một quốc gia có truyền thống ủng hộ Mỹ về nhiều vấn đề chính sách đối ngoại, 84% các công ty cho rằng thị trường Trung Quốc là nguồn chính đưa đến sự thịnh vượng cho doanh nghiệp của họ.
Điều này không đáng ngạc nhiên. Sau hơn 40 năm cải cách thị trường, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng gấp 225 lần, số người sống dưới mức nghèo khổ đã giảm 500 triệu người - gấp 1,5 tổng dân số của Mỹ. Tầng lớp trung lưu đang nhanh chóng hình thành cùng với đó là xã hội tiêu dùng.
Đương nhiên, một thị trường năng động và đồ sộ như vậy rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, bao gồm cả những doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp xung đột lợi ích của nhà nước và giới kinh doanh thì sao?
Liệu có thể mong đợi một sự thay đổi chính sách từ chính quyền Mỹ? Zhou Rong, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói: “Hiện nay không cần phải nói về những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi thái độ không hài lòng của giới doanh nghiệp đạt đến một mức độ giới hạn, Washington dù muốn hay không có lẽ sẽ phải nhượng bộ. Tôi chắc chắn rằng hiện tại và trong tương lai các công ty Mỹ sẽ không thể bỏ qua thị trường Trung Quốc".
Tuy nhiên, chính sách không thân thiện đối với Trung Quốc, thật đáng tiếc, được vận động không chỉ bởi đảng Cộng hòa. Những người thuộc đảng Dân chủ cũng xác định mục tiêu chính của họ là kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Vì có một sự đồng thuận trong giới tinh hoa chính trị Mỹ về vấn đề này, không có lý do gì để mong đợi một sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách của Tổng thống Trump.
Cho đến nay, các biện pháp hạn chế mà ông Trump đã áp đặt với Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều đến các công ty Mỹ đang làm ăn với Trung Quốc. Nhưng trong tương lai, các công ty sẽ càng cảm thấy thiệt hại lớn hơn, mức độ bất mãn trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ sẽ càng lớn, dù hiện vẫn chưa đạt đến điểm nóng.
Tuy nhiên, chuyên gia Zhou nhận định rằng khi điều này xảy ra và khi các công ty sẽ hiểu được ai thực sự là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho họ, khi đó có thể mong đợi việc giảm nhẹ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.
Hiện Australia đã buộc phải linh động giữa một đồng minh chính trị và một đối tác kinh tế lớn. Một mặt, loại bỏ các công ty Trung Quốc, ví dụ, Huawei, từ việc tạo ra mạng 5G trong nước, để thể hiện sự trung thành với lập trường của Mỹ.
Mặt khác, như Ngoại trưởng Maris Payne cho biết gần đây, Australia rất hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc. Thực tế là nước này phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Theo công ty cung cấp dịch vụ nghề nghiệp lớn nhất thế giới KPMG, 36% tổng xuất khẩu của Australia đến Trung Quốc. Australia cũng mua hầu hết hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, có một thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước.
Và một tình huống tương tự ở nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, tổng vốn đầu tư song phương giữa Trung Quốc và ASEAN trong năm 2017 lên đến 185 tỷ USD.