Giới đầu tư mạo hiểm chùn tay khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc
Giới đầu tư tránh những thương vụ lớn
Các thương vụ đầu tư mạo hiểm ở châu Á-Thái Bình Dương đã giảm 1/5 trong quý III do sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc khiến các nhà đầu tư tránh rót những khoản vốn lớn, trong khi các cuộc biểu tình chống chính phủ làm lu mờ triển vọng gọi vốn ở Hong Kong trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
South China Morning Post đưa tin, tổng giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm giảm xuống 14,92 tỉ USD từ 18,61 tỉ USD trong quý trước, theo dữ liệu do tập đoàn kiểm toán KPMG công bố hôm 3/11.
Tập đoàn KPMG nhận định sự chững lại của nền kinh tế do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến lượng vốn đầu tư mạo hiểm giảm.
Công nhân trong một nhà máy giày ở Indonesia. Ảnh: tempo.co
Mức giảm đó mạnh hơn mức giảm 14% trong tổng giá trị giao dịch đầu tư mạo hiểm toàn cầu, đạt 55,71 tỉ USD.
7 trong số 10 thương vụ trong khu vực liên quan tới việc các doanh nghiệp ở đại lục, trong khi 3 thương vụ kia liên quan tới startup Ấn Độ, theo KPMG. Mặc dù vậy, không thương vụ nào đạt giá trị lớn hơn 1 tỉ USD, trong khi 4 thương vụ "tỉ USD" đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm nay.
"Mức độ quan tâm tới thị trường châu Á rất lớn, song các nhà đầu tư đã giảm hoạt động. Họ đang trở nên thận trọng, chờ đợi và theo dõi tình hình từ góc độ kinh tế và địa chính trị", Egidio Zarrella, giám đốc bộ phận khách hàng và sáng tạo của KPMG Trung Quốc, phát biểu.
Đà tăng trưởng của Trung Quốc thấp kỉ lục
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 6% trong quý trước, mức thấp nhất kể từ khi hoạt động thống kê dữ liệu kinh tế bắt đầu vào tháng 3/1992. Cuộc chiến thương mại theo kiểu "ăn miếng trả miếng" với Mỹ đã buộc một số nhà sản xuất toàn cầu di dời các nhà máy của họ tới nơi khác, khiến động lực tăng trưởng lao dốc trong 6 tháng qua.
Ở Hong Kong, các cuộc biểu tình chống chính quyền đã đẩy nền kinh tế địa phương vào suy thoái trong quí trước, trong khi chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất trong 4 năm.
Thương vụ đầu tư mạo hiểm lớn nhất trong quí III liên quan tới việc tập đoàn thương mại điện tử Alibaba cùng quĩ vốn tư nhân Yunfeng Capital đầu tư 700 triệu USD cho cổ phần thiểu số của công ty NetEase Cloud Music.
Dịch vụ streaming nhạc của NetEase Cloud Music có khoảng 132 triệu người sử dụng tích cực hàng tháng, trở thành doanh nghiệp có số người sử dụng lớn thứ năm trong ngành.
Toyota Motor đầu tư 600 triệu USD vào hãng gọi xe Didi Chuxing, trong khi nhà sản xuất ô tô điện CHJ Automotive nhận 530 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất. Hãng ô tô điện Byton nhận 500 triệu USD, còn công ty phần mềm Ola hoàn thành mục tiêu gọi vốn 490 triệu USD.
4 thương vụ "tỉ USD" xuất hiện trong hai quí trước, bao gồm việc hãng gọi xe Grab nhận 4,5 tỉ USD và công ty phần mềm Chehaoduo (Trung Quốc) nhận 1,5 tỉ USD, OYO Rooms (Ấn Độ) nhận 1,1 tỉ USD và JD Health (Trung Quốc) nhận 1 tỉ USD, theo dữ liệu của KPMG.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi tình hình
Đầu tư mạo hiểm ở châu Á có thể sẽ vẫn duy trì ở mức vừa phải trong quí cuối năm nay, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi căng thẳng kinh tế và địa chính trị dự kiến sẽ tiếp tục, Irene Chu, người đứng đầu mảng kinh tế mới và khoa học đời sống tại KPMG, nhận định.
"Mặc dù vậy, chính phủ Trung Quốc không thúc thủ. Họ đang tiến lên với những cải cách chính sách nhằm cải thiện và hiện đại hóa các qui định trong hàng loạt ngành - bao gồm bảo hiểm, tài chính, thị trường vốn và chăm sóc sức khỏe", cô bình luận.
Irene nói thêm rằng những thay đổi ấy có thể tạo ra tác động tích cực đối với ngành đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc.
"Số lượng doanh nghiệp nộp đơn xin phát hành cổ phiếu lần đầu ở Hong Kong vẫn rất lớn, nhưng việc họ sẽ phát hành trước năm nay hay không phụ thuộc vào những điều kiện thay đổi của thị trường", Chu nhấn mạnh.