|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Việt Nam - Mảnh đất màu mỡ của các quĩ đầu tư mạo hiểm

15:45 | 12/09/2019
Chia sẻ
Những thông số vĩ mô ấn tượng, chính sách dần minh bạch hóa cùng qui mô nhân khẩu học là những yếu tố khiến các quĩ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng rót vốn cho các startup tại Việt Nam.

Năm 2018, Google và Temask đánh giá nền kinh tế trực tuyến của Việt Nam như một "con rồng được tháo xích", kèm với dự đoán tổng giá trị thị trường sẽ lên tới 33 tỉ USD vào năm 2025.

Gần đây, hàng loạt công ty công nghệ kế hoạch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, có thể kể đến như Google (điện thoại Google Pixel), Apple (AirPods) và Nintendo (switch).

Rất nhiều nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là thị trường lí tưởng ở Đông Nam Á. Theo báo cáo từ Cento Ventures và ESP Capital, những quĩ đầu tư có trụ sở tại Singapore, Việt Nam sở hữu nền kinh tế năng động thứ 3 tại ASEAN, chỉ sau Singapore và Indonesia.

Cũng theo thống kê từ hai quĩ đầu tư mạo hiểm trên, Việt Nam đã nhận 258 triệu USD với 58 bản hợp đồng đầu tư chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng 80 triệu USD so với cùng kì năm trước. Tổng số vốn thị trường Việt Nam nhận dự kiến lên tới 800 triệu USD vào cuối năm 2019.

Để làm rõ lí do thị trường Việt Nam đang ngày một nóng hơn, tờ KrAsia đã trao đổi thêm với các quĩ đầu tư mạo hiểm trong khu vực về sự xuất hiện hệ sinh thái công nghệ tại đây.

Tại sao lại chọn Việt Nam?

Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, đối tác điều hành của quĩ đầu tư ESP Capital, các yếu tố vĩ mô thuận lợi của Việt Nam đang thu hút sự đầu tư lớn từ nước ngoài.

Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam nhiều năm qua rơi vào tầm 7%, trong khi lãi suất và lạm phát lại có xu hướng giảm và cơ sở hạ tầng đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. 

uyen-vy

Bà Lê Hoàng Uyên Vy là đối tác điều hành của quĩ ESP Capital. (Đồ họa: TV)

Ngoài ra, các chỉ số về nhân khẩu học tại Việt Nam cũng rất ấn tượng khi 60% dân số dưới 35 tuổi. Khoảng 2/3 dân số có thể sử dụng dịch vụ trực tuyến và 72% dân số sở hữu điện thoại thông minh.

Trong khi đó Trần Bình, đối tác điều hành của quĩ 500 startup cũng đánh giá cao Việt Nam: "Nếu bạn muốn gây dựng một công ty an toàn, năng động, chào đón người nước ngoài với giá cả phải chăng, Việt Nam là một sự lựa chọn lí tưởng".

Chris Tran, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của quĩ North Ridge Partners, cũng tỏ ra hứng thú khi Việt Nam đang dần trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao. Theo ông, chiến tranh thương mại khiến nhiều công ty phải nhìn ra bên ngoài Trung Quốc và Việt Nam đang chiếm ưu thế trong mắt các nhà đầu tư.

Trong một bài đăng gần đây trên tờ Medium, Liu Genping, đối tác điều hành của quĩ Vertex Ventures, mô tả các startup Việt Nam đang lao đi với tốc độ của một chiếc xe công thức 1. 

"Chúng tôi thật sự quan tâm tới thị trường Việt Nam và đã có một vài cơ hội đầu tư xuất hiện. Chúng tôi sẽ sớm rót vốn vào thị trường này", Liu Genping chia sẻ với KrAsia.

Tất cả yếu tố kể trên khiến Việt Nam là miền đất hứa cho các doanh nhân và nhà đầu tư. Với đà phát triển ngày một nhanh, việc bùng nổ hệ sinh thái công nghệ tại đây là điều dễ hiểu.

Dấu hiệu của hệ sinh thái đang phát triển

2018 và 2019 là thời điểm mà các startup của Việt Nam tạo ra làn sóng mới với những màn gọi vốn lên tới 50 - 100 triệu USD. 

Đầu năm 2019, ví điện tử Momo nhận vốn đầu tư 100 triệu USD ở vòng Series C từ quĩ Warburg Pincus. Trong khi đó Tập đoàn Topica Edtech cũng huy động thành công 50 triệu USD từ màn gọi vốn vòng Series D từ Tập đoàn Northstar.

Đáng kể nhất là thông tin VNPAY có thể gọi 300 triệu USD từ SoftBank và quĩ đầu tư GIC có trụ sở tại Singapore.

softbank-va-gic-nham-nhe-dau-tu-300-trieu-usd-vao-vnpay-202651

VNPAY có thể gọi vốn tới 300 triệu USD từ SoftBank và GIC. Ảnh: khoinghiep

Theo dữ liệu thống kê từ Cento Ventures và ESP Capital, các startup Việt Nam đang tập trung vào hai mảng bán lẻ và cung cấp giải pháp thanh toán. Các công ty trong ngành lần lượt nhận 191 triệu USD và 150 triệu USD đầu tư tính trong năm 2018 và nửa đầu 2019.

Báo cáo của ESP Capital cũng chỉ ra rằng thế hệ nhà sáng lập thứ ba của Việt Nam, tức những người khởi nghiệp từ năm 2015 trở về sau, đang dần tạo ra sự khác biệt. Chất lượng của những startup thế hệ ba cũng có chất lượng khác hẳn so với những người đi trước.

Đi nhanh hơn nữa

Để hệ sinh thái công nghệ ở Việt Nam tiếp tục mở rộng trong tương lai với tốc độ nhanh hơn, Michael Lints, một đối tác của quĩ Golden Gate Ventures, cho rằng Chính phủ nên khởi xướng những dự án để hỗ trợ startup, thậm chí mô phỏng cơ chế khuyến khích dịch vụ "tài chính số" ở Singapore.

Việc đào tạo cho lớp doanh nhân kế cận cũng là một yếu tố không thể thiếu để phát triển hệ sinh thái công nghệ.

"Nhiều nhà sáng lập lần đầu tiên đứng ra kinh doanh. Do đó họ cần sự chỉ bảo, dìu dắt từ người đi trước. Ngoài ra các startup mới nên bắt tay với những tổ chức chuyên hỗ trợ khởi nghiệp để có thể vượt qua thời gian khó khăn ban đầu", Lint nhấn manh.

Cũng theo báo cáo từ ESP Capital, Chính phủ Việt Nam đang dần nới lỏng các qui chế để hỗ trợ khởi nghiệp như tổ chức các sự kiện để kết nối các bên liên quan, đưa ra những chính sách cụ thể và minh bạch, trao quyền phù hợp cho cả nhà sáng lập và nhà đầu tư.

Lê Quý

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.