GIC mua lại hơn 16% cổ phần VCM, nâng định giá chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+ vượt mức 3 tỉ USD?
Theo thông tin người viết thu thập được, quĩ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore (GIC) đang nắm trong tay 16,26% cổ phần của Công ty CP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (VCM).
GIC sở hữu cổ phần VCM thông qua Credit Suisse (chi nhánh Singapore) 6,504% và Ardolis Investment 9,756%.
Cơ cấu vốn ngoại của VCM sau khi được GIC đầu tư (Nguồn: Dangkykinhdoanh.gov.vn)
VCM chính là doanh nghiệp được Vingroup thành lập trung tuần tháng 8 vừa qua để tiếp nhận lại toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce. Trong khi đó, Vincommerce lại là đơn vị vận hành toàn bộ hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng tiện ích VinMart+ trên toàn quốc.
Trước khi về tay VCM, Vincommerce được phân tách thành ba doanh nghiệp riêng biệt, ngoài công ty Vincommerce như thời điểm hiện tại còn có CTCP Đầu tư Kinh doanh và Thương mại P&S vốn điều lệ 1.698 tỉ đồng; CTCP Phát triển Thương mại Dịch vụ Adayroi vốn điều lệ 50 tỉ đồng.
Sau khi được GIC rót vốn, định giá của hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+ vượt mức 3 tỉ USD
Nếu như toàn bộ số tiền 500 triệu USD mà quĩ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore bỏ ra là để đổi lấy cổ phần VCM, điều này tương đương với định giá 3,08 tỉ USD sau đầu tư và giá trị của VCM trước thời điểm GIC rót vốn khoảng 2,58 tỉ USD.
Với giá trị này, VinCommerce được tái khẳng định là công ty bán lẻ số một Việt Nam cả về quy mô và định giá. Bởi trên thị trường chứng khoán, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) hiện mới chỉ đang có mức vốn hóa thị trường khoảng 2,44 tỉ USD, thậm chí còn thấp hơn của VinCommerce trước thời điểm GIC đầu tư.
Sau khi sáp nhập thêm 8 siêu thị Queenland, hệ thống bán lẻ thuộc Tập đoàn Vingroup đạt mức 121 siêu thị VinMart và hơn 1.900 cửa hàng tiện lợi VinMart+.
Vingroup từng đạt mục tiêu 4.000 cửa hàng tiện lợi tại thời điểm kết thúc năm 2020, tức gấp đôi so với thời điểm hiện tại. Nhiều khả năng dòng vốn từ GIC đổ về có thể giúp Vingroup hiện thực hóa mục tiêu này.
Hệ thống cửa hàng tiện ích VinMart+ bên cạnh giúp Vingroup tăng qui mô mảng bán lẻ và còn là những mắt xích quan trọng để Tập đoàn có thể phủ sóng hệ sinh thái các lĩnh vực kinh doanh của mình.
Ngay từ thời điểm ra mắt xe máy điện Klara, theo quan sát, nhiều siêu thị VinMart qui mô lớn thậm chí có bày bán mẫu xe này của VinFast (một thành viên trong Tập đoàn).
VinMart+ cũng được giới thiệu là điểm bảo hành cho các mẫu điện thoại Vsmart (sản phẩm của Công ty VinSmart) hay cũng là điểm sạc pin, thay thế pin cho xe điện VinFast.
VinMart+ cũng được tận dụng làm nơi đặt các tấm quảng cáo về các dịch vụ tiện ích khác thuộc Tập đoàn Vingroup hay cũng là nơi giới thiệu về các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng…
Nửa đầu năm 2019, chuỗi siêu thị VinMart đạt doanh thu 6.869 tỉ đồng, tăng trưởng 58%; còn với chuỗi cửa hàng tiện ích VinMart + đạt doanh thu 5.797 tỉ đồng, tăng trưởng 85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tốc độ tăng trưởng tại cửa hàng hiện hữu (SSSG) đối với VinMart đạt 16%, còn với VinMart + đạt 21%.