Giáp tết, ngân hàng ‘đua nhau’ tăng lãi suất tiền gửi
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi để huy động tiền trong dân (Ảnh: DL) |
Tại Hội nghị hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ năm 2016 diễn ra chiều 27.12 tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ bao gồm 7 tỉnh thành (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc) là trung tâm kinh tế - chính trị đầu não của cả nước, là vùng hạt nhân phát triển và tạo động lực chính để phát triển vùng sông Hồng.
Đồng tình với điều này, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nói rằng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có vai trò quan trọng trong việc xúc tiến thương mại sản phẩm, kết nối hạ tầng… Vùng đã đưa nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn về Hà Nội tiêu thụ như nhãn lồng Hưng Yên, chuối ngự Hà Nam, rau an toàn Vĩnh Phúc…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có nhiều lợi thế lớn. Đó là có vị trí đắc địa trong cả nước, tạo ra một trục phát triển chạy men theo bờ biển vịnh Bắc Bộ thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa bằng đường không, đường thủy, đường bộ… Trong đó, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là 3 đỉnh của tam giác phát triển tạo ra xung lực và cơ hội cho các địa phương trong vùng cùng phát triển, bứt phá.
Theo đó, trình độ phát triển khu vực này cũng ở thứ hạng cao trong cả nước. Trong đó Hà Nội là thủ đô, Hải Phòng là thành phố có lịch sử phát triển lâu đời, là cửa ngõ quan trọng thông ra Biển Đông. Các địa phương khác trong vùng cũng đều năng động, có sự phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng của vùng cũng được đầu tư đáng kể. Sân bay có Nội Bài, Cát Bi; cảng có Hải Phòng, Cái Lân; nhân lực có trình độ cao, tập trung nhiều trường đại học nhất trong cả nước…
Tuy nhiên, lợi thế là vậy nhưng vùng này chưa có được bước phát triển mang tính đột phá, chưa phát huy được hết tiềm năng, chưa có cơ chế điều phối liên kết rõ ràng mặc dù hành lang pháp lý và cơ cấu hoạt động đã có đầy đủ.
Bộ trưởng Dũng nêu rõ rằng vẫn còn tình trạng cát cứ, cục bộ địa phương, tư duy nhiệm kỳ, thiếu liên kết giữa các tỉnh. Việc luân phiên làm chủ tịch vùng dẫn đến nguy cơ địa phương nào có lãnh đạo làm chủ tịch vùng thì địa phương đó được ưu tiên hơn mà không chú ý đến việc phát triển toàn diện, chưa có sự hợp tác, bổ sung lẫn nhau, không tạo ra sự lan tỏa cho các địa phương lân cận.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra hiện nay vẫn thiếu quy hoạch phát triển vùng mang tầm chiến lược, việc thực hiện quy hoạch chưa nghiêm túc, từng bộ ngành, địa phương còn lập quy hoạch riêng lẻ, còn chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch phát triển của toàn vùng. Đôi khi phát triển của tỉnh này sẽ ảnh hưởng đến tỉnh kia, phát triển ngành này thì ảnh hưởng đến ngành khác.
Lãnh đạo các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ký kết biên bản hợp tác
Thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ hơn cũng như hỗ trợ nhiều hơn từ Trung ương và sự phối hợp của các địa phương.
Theo đó, mục tiêu, chỉ tiêu cần phải rõ ràng giữa các địa phương, cần phân công rõ ràng tùy theo lợi thế của từng địa phương. Việc cụ thể hóa mục tiêu cần thực hiện một cách khoa học để tránh việc xé nhỏ mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực.
Song song đó là tăng thêm thẩm quyền chỉ huy, vài trò tư lệnh của chủ tịch hội đồng vùng. Các địa phương phải có cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc thực hiện các hoạt động liên kết, tập trung phát triển mạnh những ngành, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế để tạo đà cho sự phát triển chung của toàn khu vực.
Theo Bộ trưởng Dũng, cần phải có một quy hoạch ở tầm chiến lược với tầm nhìn dài hạn, tích hợp đa ngành với sự tham gia của các bộ ngành, địa phương hướng tới sự phát triển chung cho cả vùng, không vì lợi ích cục bộ của các địa phương.
“Phải có cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm với những mô hình mới, chính sách vượt trội hơn so với các tỉnh khác, đặc biệt là cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Có cơ chế đó thì mới có được động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới” – Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Chí Dũng lưu ý cần huy động đối đa mọi nguồn lực dành cho đầu tư phát triển theo hướng giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, bởi vì ngân sách cũng đang rất hạn hẹp.
“Quan trọng nhất là phải có một tư duy vùng trong mọi chính sách hay trong từng dự án đầu tư. Đây là điểm quan trọng nhất để thực hiện có hiệu quả các giải pháp” – Bộ trưởng nói.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng mạnh mẽ, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẳng định nếu không có sự liên kết thì không thể tạo ra được sức cạnh tranh mạnh mẽ. Liên kết vùng hiệu quả không chỉ khiến các tỉnh thành viên phát triển nhanh hơn, bền vững hơn mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước.
“Liên kết vùng không phải cứ địa phương khỏe là đi trước, rồi bù đắp, hỗ trợ cho các địa phương đi sau mà cần phải hợp tác, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng có lợi, cùng phát triển” – ông Dũng nói.
Bộ trưởng Dũng cũng khuyến cáo, để có được những dự án liên vùng tầm cỡ thì các tỉnh, các nhà đầu tư hãy cùng kiến nghị lên thì Chính phủ rất dễ lắng nghe, còn mạnh tỉnh nào tỉnh ấy đi xin thì rất rời rạc, cơ chế chính sách vì thế không đồng bộ, không nhất quán.
Trí Lâm