|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giao hàng nhanh: Đua nhau mở, âm thầm đóng cửa

06:38 | 10/09/2018
Chia sẻ
Sự nở rộ của các công ty giao hàng cũng như nấm sau cơn mưa rào, tuy nhiên để tồn tại không phải là điều dễ dàng dù thị trường này luôn được đánh giá là tiềm năng.

Nợ khách hàng 5,5 tỷ

Đầu tháng 9, Công ty giao hàng GNN Express thông báo với đối tác và khách hàng về việc dừng hoạt động. Lý do được đưa ra là doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn tài chính. Công ty đã không cân đối được thu, chi dẫn đến sử dụng và lạm dụng tiền thu hộ (COD) của khách hàng vào các hoạt động khác của công ty.

Trong văn bản mới nhất, hội đồng quản trị công ty cho rằng, nguyên nhân cuộc khủng hoảng tại GNN được xác định do lỗi của ông Hoàng Ngọc, Tổng giám đốc. Do khoảng cách về địa lý, hội đồng quản trị ủy quyền cho ông Ngọc giải quyết tồn đọng hàng hóa và nợ đọng tiền thu hộ của khách hàng.

Khủng hoảng của GNN dẫn tới việc điều hành bị mất kiểm soát khiến hàng hóa tồn đọng và thất lạc. Hội đồng quản trị xin lỗi tới khách hàng đồng thời cam kết giải quyết đối với khách hàng bị thất lạc, cam kết chịu trách nhiệm đền bù thỏa đáng.

Với số tiền thu hồi công nợ khoảng 800 triệu đồng, trích 200 triệu đồng thanh toán tiền lương cho công nhân viên, số tiền còn lại sẽ ưu tiên thanh toán cho khách hàng. Đồng thời, HĐQT công ty bàn và huy động thêm nguồn vốn để tiếp tục thanh toán số tiền còn nợ cho khách hàng. GNN ưu tiên thanh toán với những khách hàng có khoản nợ dưới 2 triệu đồng trước ngày 15/9.

Những khách hàng có khoản nợ trên 2 triệu đồng, trong tháng 9, GNN có nghĩa vụ thanh toán tối thiểu 20%, mỗi tháng tiếp theo thanh toán 10% cho tới khi tất toán.

Những khách hàng do ông Ngọc làm việc trực tiếp và cam kết trả nợ nhưng thất hẹn nên ông Ngọc sẽ thỏa thuận lại và chịu trách nhiệm nghĩa vụ một cách nhanh nhất. Việc thỏa thuận sẽ được ghi nhận bằng biên bản và dưới sự giám sát của hội đồng quản trị.

Cạnh tranh khốc liệt

Là khâu then chốt trong quy trình bán hàng nên khi thương mại điện tử bùng nổ, dịch vụ giao nhận cũng rầm rộ ra đời. Năm 2013, chỉ có vài công ty, đến nay thị trường đã có gần 60 cái tên khác nhau, quy mô cũng ngày một lớn hơn.

Thị trường thương mại điện tử đang ở đỉnh cao và sẽ tăng trưởng cao ở mức 30-40% hàng năm, mức độ tăng trưởng lớn đã thu hút nhiều doanh nghiệp mới tham gia kinh doanh. Các công ty liên tục mở ra nhiều dịch vụ mới để tối ưu hoá nhằm chiếm lĩnh thị phần.

Thời gian qua, không ít doanh nghiệp chạy đua về giá để cạnh tranh, sẵn sàng bán dịch vụ dưới giá thành để giành hợp đồng của nhau mà không đảm bảo được chất lượng cam kết, thường xuyên giao chậm trễ, làm thất lạc hàng hóa,... Chính vì vậy, chỉ sau một thời gian, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ làm dịch vụ ship COD bị phá sản bởi không quản lý tốt nhân sự, không quản lý được dòng tiền.

Lương Duy Hoài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Giao Hàng Nhanh, thừa nhận, dịch vụ giao hàng, thu tiền hộ chính là “đất sống” cho các đơn vị giao nhận hàng hóa chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến đang cần đến dịch vụ phát chuyển hàng hóa nhanh, đảm bảo chất lượng với cước phí thấp.

Nguyễn Hồng Long, Trưởng ban dịch vụ bưu chính, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, cho rằng, các công ty chuyển phát khi được thành lập đều có chiến lược kinh doanh đúng đắn. Tuy nhiên khi bị áp lực về cạnh tranh, doanh số và tăng trưởng thị phần thì việc điều hành công ty tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trở nên khó hơn.

giao hang nhanh dua nhau mo am tham dong cua
Nhiều DN chuyển phát âm thầm đóng cửa.

Ngoài ra, việc thường xuyên phải giao dịch với số lượng tiền mặt lớn sẽ nảy sinh các xu hướng kinh doanh nhanh khác, làm ảnh hưởng đến dòng tiền luân chuyển của công ty.

Theo ông Long, khách hàng cần chọn các công ty có uy tín và pháp nhân rõ ràng để đảm bảo được phục vụ chất lượng chuyển phát tốt và hoàn trả tiền COD nhanh nhất có thể. Tại Tổng công ty Bưu điện, trả tiền thu hộ nhanh nhất trên thị trường với thời gian chuyển trả tiền thu hộ COD cho khách hàng sau 1 đến 2 ngày tùy theo từng dịch vụ được coi trọng và là chỉ tiêu đánh giá chất lượng (KPI) cung ứng dịch vụ cho khách hàng của từng Bưu cục.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài, với vốn đầu tư lớn và cung cách chuyên nghiệp, là dấu hiệu tích cực đối với thị trường. Khi đó, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến sẽ giúp nhà cung ứng dịch vụ tối ưu hóa chi phí đầu vào, chuẩn hóa quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ và từ đó giảm giá cước.

Xem thêm

Nam Hải

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.