Giao dịch thỏa thuận kỉ lục gần 500 tỉ đồng cổ phiếu GAB sau tin về kế hoạch sáp nhập FLC Faros
Thị trường chứng khoán phiên đầu tháng 4 diễn biến khởi sắc với thanh khoản cải thiện so với trước, giá trị giao dịch đạt 4.535 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE cũng tăng lên mức 1.714 tỉ đồng.
Đáng chú ý, cổ phiếu GAB của Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC vẫn tiếp tục đứng đầu về giao dịch thỏa thuận toàn thị trường với khối lượng thực hiện trên 3,6 triệu đơn vị, tương đương giá trị lên tới gần 500 tỉ đồng, cao kỉ lục từ khi lên sàn chứng khoán vào tháng 7/2019.
Đây cũng đồng thời là phiên trao tay khủng liên tiếp thứ 18 của cổ phiếu GAB, tổng giá trị lên tới gần 3.296 tỉ đồng.
Giao dịch thỏa thuận kỉ lục của cổ phiếu GAB được thực hiện sau khi thông tin sáp nhập FLC Faros và GAB.
Cụ thể, HĐQT của FLC Faros mới đây đã quyết định trình đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập doanh nghiệp này vào GAB. FLC Faros sau đó đã gửi đề nghị này kèm theo tài liệu cuộc họp HĐQT ngày 1/4 tới GAB. Đầu tháng 3 vừa qua, HĐQT FLC Stone (Mã: AMD) cũng đã thông qua chủ trương nghiên cứu và lập phương án sáp nhập với GAB.
Sau thông tin trên, nhiều cổ phiếu "họ FLC" giao dịch bùng nổ trong phiên hôm nay. Kết phiên, các mã HAI, AMD, FLC, ROS, ART, KLF đồng loạt tăng trần, trong đó nhiều mã được khớp lệnh khủng. Cổ phiếu GAB cũng tăng 1,6% lên 131.000 đồng/cp.
Cùng với GAB, cổ phiếu TCB của Techcombank ghi nhận giá trị trao tay đạt xấp xỉ 422 tỉ đồng, tương đương gần 28 triệu đơn vị. Nhóm ngân hàng giao dịch khởi sắc trong phiên hôm nay, góp phần đáng kể vào đà hồi phục của thị trường, theo đó cổ phiếu tăng 3,3% lên 15.500 đồng/cp.
Một cổ phiếu ngân hàng khác là EIB của Eximbank cũng được trao tay hơn 13 triệu đơn vị, giá trị gần 209 tỉ đồng. Trong phiên, có thời điểm cổ phiếu này giảm sâu 4,4% xuống còn 14.000 đồng/cp, dù vậy sau đó đã đảo chiều tăng 3,8% lên 15.200 đồng/cp.
Ngoài ra, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan cũng ghi nhận giá trị thỏa thuận trên trăm tỉ đồng. Doanh nghiệp này vừa phát hành thành công 2.000 tỉ đồng trái phiếu, trong đó 87,5% phân phối cho tổ chức trong nước và 12,5% là tổ chức nước ngoài.